Chữa bệnh không dùng thuốc

Trứng chim cút bổ não, chữa liệt dương

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Trứng chim cút chỉ bằng 1/5 quả trứng gà nhưng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý giúp bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí, dùng bồi dưỡng sức khỏe rất tốt, nhất là đối với những trường hợp liệt dương, mất ngủ, trí nhớ suy giảm.

Dinh dưỡng quý tốt cho nhiều bệnh

BS Nguyễn Văn Quang, Hội Nam Y Việt Nam cho biết, trứng chim cút được Đông y dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể và chữa bệnh từ lâu đời, phần lớn là những bài thuốc kinh nghiệm dưới dạng các món ăn – bài thuốc. Theo y học dân tộc, trứng chim cút bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí, dùng bồi dưỡng sức khoẻ rất tốt, nhất là đối với những trường hợp sau khi bị bệnh lâu ngày khí huyết hư nhược, tiêu hoá kém và chị em phụ nữ sau khi sinh con cơ thể bị suy yếu.

Trứng chim cút có giá trị dinh dưỡng rất cao, được đánh giá bổ hơn cả trứng gà. Trứng cút nhỏ chỉ bằng 1/5 quả trứng gà nhưng chứa một lượng vitamin A nhiều hơn trứng gà 2,5 lần. Lượng vitamin B1, vitamin B2 chứa trong trứng cút cũng cao hơn có trong trứng gà tới 2,8 và 2,2 lần. Các chất photpho, sắt trong trứng cút cao hơn trong trứng gà tới 5 lần. Đặc biệt, trong trứng cút giầu các chất đồng, coban, niacin, có nồng độ lecithin cao và nhiều axit amin cần thiết nên có tác dụng bồi bổ cơ thể tốt cho những người ốm yếu, trẻ em gầy còm suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và giúp điều trị chứng liệt dương của nam giới có kết quả. Nồng độ lecithin cao trong trứng cút có tác dụng làm giảm chất cholesterol trong máu nên trứng cút cũng là món ăn tốt cho những người bị mỡ máu, cao huyết áp, xơ mỡ động mạch. Trứng cút cũng được khuyến khích dùng cho những người bị thiếu máu, nhức đầu nhiều, hen phế quản, viêm dạ dày, tiêu hoá kém.

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy trứng chim cút có tác dụng làm tăng sức đề kháng với phóng xạ và góp phần loại bỏ các nuclit phóng xạ. Vì vậy nên bổ sung trứng chim cút trong thực đơn cho những bệnh nhân bị nhiễm bức xạ và những ngưòi sinh sống ở những vùng sinh thái bất lợi như các thành phố lớn, nơi mức độ bức xạ thường cao hơn.

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, trong thực liệu học cổ truyền, chim cút được coi là “nhân sâm động vật”, còn trứng chim cút vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ngũ tạng, ích khí huyết, kiện não ích trí, làm mạnh gân cốt. Với giá trị dinh dưỡng rất cao vượt xa so với các loại trứng gia cầm khác với lượng protit, lipit, sinh tố và các nguyên tố vi lượng phong phú, đặc biệt có chứa nhiều leucithin, trứng chim cút là một trong những loại thực phẩm rất hữu ích cho não bộ. Về tác dụng trị liệt dương, ích tinh là do trứng chim cút là loại trứng có tác dụng bổ thận dương, ích tinh huyết, điều hòa hai mạch xung và nhâm, là thức ăn rất tốt cho cả hai vợ chồng bị muộn con. Bởi trứng cút tính ấm, có công năng ôn bổ dương khí ở mệnh môn nên thận âm theo đó mạnh lên, tinh đầy mà có con.

Trứng cút và thuốc tạo nên công năng kỳ diệu

ThS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, y học cổ truyền phối hợp trứng cút với các vị thuốc bổ của đông y tạo nên các món ăn ngon và có tác dụng chữa bệnh rất độc đáo:

Phục hồi sức khỏe sau ốm nặng: trứng chim cút 3 quả, đảng sâm 15g, đương qui 12g, đại táo 10 quả. Hầm nhừ các vị, ăn trong nhiều ngày. Phụ nữ sau khi sinh con sức khoẻ suy yếu và những người vừa khỏi một bệnh nặng, cơ thể suy nhược, dùng món ăn này sức khoẻ sẽ phục hồi nhanh chóng.

Liệt dương do can thận hư: Lấy10 quả trứng cút, luộc chín, bóc vỏ. Cho 15g câu kỷ tử , 15g thỏ ty tử vào nồi cùng 10 quả trứng cút đã bóc vỏ, thêm 400ml nước, đun sôi trong 20 phút. Lấy trứng chim cút  ăn và chắt nước uống. Món ăn này có tác dụng bồi bổ can thận, dùng chữa bệnh liệt dương do can thận hư có hiệu quả tốt.

Suy nhược thần kinh: Trứng chim cút 3 quả, đảng sâm 15g, đương quy 12g, đại táo 10 quả. Tất cả hầm nhừ, ăn trong ngày. Dùng cho các trường hợp mới ốm dậy, sản phụ sau khi sinh con, suy nhược thần kinh.

Mất ngủ hay quên: trứng chim cút 20 quả, nhãn 10 quả, vải 10 quả, hạt sen 20 hạt, đại táo 5 quả, kỷ tử 6g, đường phèn 60g. Trứng chim luộc chín bóc vỏ; nhãn, vải và đại táo bỏ hạt; hạt sen bỏ tâm. Tất cả cho vào nồi cùng đường phèn, chế đủ nước rồi đun nhỏ lửa chừng 30 phút là được, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết, bổ não an thần, dùng cho những người tâm huyết suy nhược, tim hay hồi hộp, mất ngủ, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng loãng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP