Trong nước

Trụ sở “hoành tráng” của các tỉnh sau sáp nhập… để làm gì?

  • Tác giả : Trí Thành (t/h)
Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, dự kiến sẽ có hàng nghìn trụ sở công dôi dư. Làm gì với các trụ sở dôi dư? Bố trí,sử dụng thế nào để tránh lãng phí tài sản công,tránh lãng phí tài nguyên đất đai quý giá?

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, cần thành lập một cơ quan chuyên trách - có thể là một Ủy ban hoặc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, được trao quyền rõ ràng bởi Thủ tướng Chính phủ - để rà soát và đưa ra phương án xử lý toàn bộ tài sản công dôi dư.

Theo đó, cần phải có rà soát cụ thể xem nơi nào có thể tiếp tục được sử dụng, nơi nào có thể chuyển đổi mục đích sử dụng và nơi nào cần bán đấu giá. Với thực tế hiện nay, nếu thiếu một đầu mối điều phối, rất dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Vì vậy, cần có cơ chế rõ ràng và quyết liệt trong việc sắp xếp trụ sở công dôi dư. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải ý thức rằng, tài sản công cũng cần được quản lý như tài sản của chính mình: phải được khai thác, duy tu, tận dụng để sinh lời hoặc phục vụ xã hội.

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho rằng, các trụ sở cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức xã hội dôi dư sau sắp xếp sẽ là nguồn lực và quỹ đất đai rất lớn bổ sung vào thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường rất thiếu hụt nguồn cung quỹ đất sạch, đặc biệt ở các đô thị lớn. Các trụ sở này nếu chuyển đổi công năng, có thể đầu tư các thiết chế văn hóa, xã hội hoặc đấu giá thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định hướng sử dụng tốt nhất là chuyển hướng công năng sang làm cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục và phục vụ đời sống xã hội. Đây là cơ hội để một lúc tăng rất nhiều trường học, các bệnh viện mà không cần đầu tư thêm nhiều, chỉ cần chuyển đổi công năng, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư công.

Trí Thành (t/h)

BẢN DESKTOP