Khám phá

Trời rét, phòng ngạt khí than khi sưởi ấm thế nào?

Đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra khi dùng khí than để sưởi ấm. Vậy cách phòng tránh như thế nào?

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/201c38e125-1-dot-than-dtid1.jpeg

Ảnh minh họa.

Ngộ độc khí than rất nguy hiểm

Ngạt khí than (khí CO) hay xảy ra vào mùa đông, vì mùa này có đặc điểm thời tiết mưa, lạnh, các nhà đều đóng kín cửa. Để sưởi ấm, nhiều gia đình, nhất là những gia đình ở vùng nông thôn rất hay sử dụng bếp than củi để sưởi ấm. Than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí và sinh ra khí cực độc là carbon monoxide (CO) rất nguy hiểm…

Theo các chuyên gia, khí độc CO không màu, không mùi, không tan trong nước nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, nạn nhân khi hít phải khí này sẽ gây ngạt tế bào và không hề biết mình đang bị ngộ độc, thậm chí ngay cả đến khi biết được thì lúc đó họ cũng không còn đủ phản xạ, khả năng để gọi người cứu.

Quá trình nhiễm độc khí than xảy ra rất nhanh, khi nạn nhân bắt đầu cảm nhận “bất thường” thì chân tay không cử động được nữa, hôn mê và dẫn đến tử vong. Để cứu chữa những nạn nhân ngạt khí than cũng vô cùng khó khăn, bởi một khi đã xảy ra sự cố ngạt nếu không được cấp cứu kịp thời, não thiếu oxy lâu thì dù có cứu được, bệnh nhân cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng sống thực vật.

Những người  sưởi than trong phòng càng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, mạch máu não nếu bị ngạt khí CO sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với người bình thường. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Bên cạnh việc sưởi ấm bằng bếp than thì việc sưởi ấm bằng máy sưởi, quạt sưởi cũng có thể có nguy cơ gây nguy hiểm, bời tia hồng ngoại mang nhiệt được toả ra từ các thiết bị này sẽ gây khô da, khô niêm mạc mũi và có thể gây bỏng, nếu không cẩn thận còn có thể gây hoả hoạn. Vì vậy, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm, người dân phải hết sức chú ý để đảm bảo an toàn.

Cách phòng độc khí than

Khí CO không chỉ được sinh ra từ việc đốt cháy than, mà còn sinh ra từ máy phát điện chạy dầu, xe máy chạy xăng… Khi khí này xâm nhập vào cơ thể sẽ bám rất chặt vào hồng cầu làm cho hồng cầu mất chức năng hấp thụ oxy, vì thế, nếu nạn nhân bị nặng thì dù cấp cứu, cho thở oxy vẫn không hiệu quả. Do quá trình ngạt khí CO diễn ra rất nhanh vì thế biện pháp tốt nhất là loại trừ các nguy cơ gây ngộ độc khí:

– Không đốt than, củi trong nhà khi đóng kín cửa

– Không dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm

– Không sử dụng thiết bị đốt khí gas trong phòng kín, phòng ngủ.

– Không nổ máy xe máy, xe hơi ngay trong nhà hay trong gara.

– Không để máy phát điện, máy nổ trong nhà ngăn ngừa khí CO tích tụ trong nhà.

Biểu hiện của người ngạt khí than

Khi bị ngạt khí CO, nạn nhân sẽ có các biểu hiện sau:

– Tình trạng nhẹ: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, da đỏ lên… dễ nhầm là bị nhiễm virus.

– Tình trạng vừa: Đau ngực, nhìn mờ, lơ mơ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ… chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu và có thể tử vong nếu kéo dài.

– Tình trạng nặng: Đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Người ngoài có thể thấy nạn nhân bị ngất, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần hoặc có những động tác bất thường.

Cấp cứu người bị ngạt khí than

Khi có người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, ngay lập tức đưa nạn nhân tới bệnh viện để kịp thời cấp cứu và điều trị.

Người cấp cứu nạn nhân nên gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng trường hợp bị ảnh hưởng bởi khí độc. Quá trình đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) cho nạn nhân.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP