Khám phá

Trời lạnh vì sao hay đột quỵ?

Trời lạnh các mạch máu sẽ bị co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não, tăng cao nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ rất hay xảy ra ở tuổi trung niên và người cao tuổi, nhất là khi trời trở lạnh đột ngột. Lúc này, các mạch máu sẽ bị co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não, tăng cao nguy cơ đột quỵ.

Là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong chỉ sau các bệnh về tim mạch và ung thư, nhưng đột quỵ không có triệu chứng báo trước kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ.

Nhưng nếu để ý, vẫn có thể phát hiện ra dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não chỉ trong vòng một vài phút thông qua các triệu chứng như: Khuôn mặt, miệng bị méo; Đột ngột tê bì chân tay, cảm giác nặng tay chân, khó nâng lên hạ xuống; Đột ngột trở nên lờ đờ, chậm chạp, nói những câu vô nghĩa. Một số người khó nói, nói lắp, lưỡi bị cứng, tê.

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như đột ngột bị mất thị lực một bên hoặc cả hai mắt. Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt…

Để giúp người bị đột quỵ được cứu sống và có thêm cơ hội phục hồi tốt, cần nhanh chóng đưa họ tới bệnh viện trong khung giờ vàng (3 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng kể trên).

Trời lạnh vì sao hay đột quỵ? ảnh 1

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong chỉ sau các bệnh về tim mạch và ung thư.

Với bệnh nhân chưa rơi vào tình trạng hôn mê nhưng có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, kèm theo tê nửa người (tê mặt, tê tay chân). Hoặc bệnh nhân nói ngọng, nói khó, nuốt nghẹn… phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Với bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, tiểu tiện không tự chủ, nuốt sặc thì cho người bệnh nằm nghiêng đầu về một bên. Cách này sẽ giúp người bệnh tránh tình trạng trào ngược đàm nhớt vào khí quản gây tắc nghẽn đường thở gây ngưng tim, ngưng thở. Lúc này, người bệnh bị liệt hô hấp nên khi đàm nhớt tiết ra thì bệnh nhân lại không nuốt được xuống thực quản. Do đó, không cho người bệnh uống nước.

Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển người bệnh đi xa trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Việc di chuyển xa có thể làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra, cân tuân thủ tuyệt đối không tự ý cho người bệnh uống thuốc hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp. Không để người bệnh nằm đó chờ xem có tự khỏe lại không.

Không nên mất thời gian cạo gió, chích máu, thoa dầu… Cách này không những không hiệu quả mà còn gây tổn thương cho cơ thể, thậm chí sự chà xát, gây áp lực lên mạch máu còn khiến cơ thể người bệnh dễ tăng huyết áp.

Để phòng ngừa đột quỵ những ngày lạnh, điều cần nhớ đầu tiên là mặc đủ ấm. Rất nhiều trường hợp người già đột ngột ra khỏi nhà trời lạnh, không mặc áo ấm mà đã bị nhồi máu cơ tim hoặc vỡ mạch máu não dẫn đến hôn mê.

Cạnh đó, cần phải ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao do huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não. Với người bị bệnh tiểu đường cũng là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Do đó, ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.

Trong chế độ ăn, cần chú ý giảm chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều rau xanh, hạn chế tối đa thực phẩm cay nóng, rời xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia… Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải để rèn luyện sức khỏe. Không cố gắng tập quá sức.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP