Thời sự

Trời chuyển lạnh, nhiều trẻ mắc bệnh lồng ruột: Bác sĩ khuyến cáo gì?

  • Tác giả : Thúy Nga
Trẻ lồng ruột  gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Trước đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận trung bình 2-3 bệnh nhi lồng ruột, nay con số đó đã tăng gấp đôi lên 5-6 ca bệnh/ngày. Nguy cơ tái diễn bệnh rất cao. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý.

Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, thời tiết thay đổi chuyển lạnh số trường hợp trẻ bị lồng ruột (đoạn ruột phía trên chui vào lòng đoạn ruột phía dưới) có xu hướng gia tăng. Trước đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận trung bình 2-3 bệnh nhi lồng ruột, nay con số đó đã tăng gấp đôi lên 5-6 ca bệnh/ngày.

Bé N.N.B.K (19 tháng, Thanh Chương) đang chơi đùa bỗng đột ngột lên cơn đau bụng từng cơn, quấy khóc dữ dội, kèm nôn, không ho, không sốt và không đại tiện. Gia đình nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để kiểm tra. Sau khi thăm khám, thực hiện những chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả siêu âm cho thấy vùng ngang rốn phải có hình ảnh khối lồng ruột kích thước: 32x33x47 mm.

Tương tự, trường hợp khác là bé D.T.V.A (20 tháng tuổi, Nghi Lộc), mẹ bé A. cho biết: “Buổi sáng thấy con đau bụng từng cơn và quấy khóc kèm nôn 5-6 lần, tôi chỉ nghĩ con đau bụng thông thường. Nhưng sau đó, cơn đau mỗi lúc một nặng thêm, bụng có biểu hiện căng cứng nên gia đình tôi đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết, kết quả siêu âm xuất hiện hình ảnh khối lồng kích thước: 30x31x50 mm, bé được chỉ định nhập viện”.

Theo đó, cả hai trường hợp bệnh nhi đều may mắn đưa đến bệnh viện kịp thời được các bác sĩ khoa ngoại chẩn đoán bị lồng ruột và chỉ định điều trị bằng phương pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi. Sau 3 ngày điều trị, các bé sẽ được xuất viện.

Các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận và điều trị trẻ bị lồng ruột. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết thay đổi, vào dịp đông xuân số trẻ bị bệnh này tăng cao hơn bình thường, bởi do môi trường và độ ẩm không khí thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển.

Việc chẩn đoán lồng ruột được thực hiện dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng. Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, được gia đình đưa đến sớm kịp thời, các các bác sĩ dùng dụng cụ bơm hơi qua hậu môn một cách nhẹ nhàng để tháo khối lồng. Tuy nhiên, những trẻ được phát hiện muộn dẫn đến tình trạng tắc ruột, sử dụng tháo lồng thất bại thì buộc phải chỉ định phẫu thuật.

Trẻ bị lồng ruột thường có biểu hiện đau bụng theo từng cơn, nôn ói, khóc thét, ưỡn bụng, giẫy dụa, chân đạp lung tung. Các cơn đau kéo dài 5 phút làm cho trẻ mệt mỏi. Những cơn đau này thường có triệu chứng rất điển hình. Sau khi đau bụng, trẻ bị nôn ói do những thức ăn chưa tiêu, sau đó ói dịch xanh, vàng và nếu nặng có thể ói ra phân, đi ngoài ra máu.

Bệnh thường gặp ở trẻ từ 4-24 tháng tuổi, nhưng gặp nhiều nhất là trẻ từ 4-10 tháng tuổi. Trẻ đã từng bị lồng ruột, nguy cơ tái diễn bệnh rất cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ, khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột cần đưa đến bệnh viện để được khám và xử trí kịp thời, các bác sĩ khuyến cáo.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP