Bình luận

Trở thành chính mình

Mục tiêu của giáo dục là giúp trẻ em trở thành chính mình. Trở thành chính mình nghĩa là nhận việc gì thì phải có trách nhiệm với việc đấy, phải có nhận thức, đánh giá của bản thân, không phụ thuộc vào sự khen chê hay suy nghĩ của người khác…

Bà Phạm Hưng Trinh, nguyên Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Hà Nội

Răm rắp theo cô giáo

Gần đây, việc học sinh bị thày cô đánh, rồi bị đưa lên báo khiến nhiều người bức xúc. Là một nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục, bà nghĩ gì về điều này?

Trong giáo dục, xúc phạm thân thể hay nói những lời xúc phạm nhân cách trẻ là không nên. Nhưng việc đưa lên mạng, lên báo cũng nên cân nhắc.

Ở trường Thực nghiệm trước đây có chuyện một học sinh bị thâm tím ở đùi và em đó về nói với bố mẹ là bị cô giáo trông buổi trưa đánh. Phụ huynh có ý kiến. Cô chủ nhiệm đã trao đổi với cô giáo kia và được biết cô không hề đánh em đó, hơn nữa giờ ngủ buổi trưa hai bàn kê sát nhau, 2 em nằm trên bàn, em đó nằm dưới ghế, chỗ đi rất hẹp, cô giáo không thể vào mà đánh được.

Mãi sau học sinh này mới nhận là bị vấp ở cầu thang. Đấy, nếu chúng ta chưa tìm hiểu kỹ mà đã đưa lên mạng, nhiều người không hiểu lại bức xúc, lên án hay suy diễn gây căng thẳng.

Tôi thấy hiện nay dù phụ huynh rất “chăm sóc” giáo viên, ngày lễ ngày Tết quà cáp, phong bì chu đáo. Nhưng sau đó lại kể tội, có vấn đề gì là sẵn sàng kiện nhau, giữa giáo viên và phụ huynh thiếu sự thông cảm?

Điều đáng buồn nhất hiện nay là trong nhà trường phụ huynh và học sinh răm rắp theo cô giáo, cô bảo học thêm ở đâu là cho con học ngay. Nhưng có đời thuở nào phụ huynh đánh giáo viên, có bao giờ giáo viên phạt học sinh bằng điểm chưa?

Trước đây có phạt, thậm chí thời xưa các ông thày đồ còn đánh đòn bằng roi, bắt quỳ… Phạt là để cho học sinh biết lỗi, nhớ để lần sau không mắc phải nữa, chứ không hề xúc phạm tới nhân cách của học sinh như bây giờ.

Tại sao mối quan hệ thày trò lại trở thành như thế, thưa bà?

Đó là do mặt trái của cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường có nhiều mặt tốt, nhưng những mặt xấu cũng không ít. Trong khi đó những chuẩn mực về đạo đức, tính hướng thiện đã bị lung lay, ai không vững là sẽ bị cuốn đi thôi.

Ta cứ lên án giáo viên dạy thêm để tăng thu nhập, nhưng có ai nghĩ đến lúc xin việc, khi thi công chức họ đã phải chạy, đã phải mất bao nhiêu tiền…

Tất nhiên, việc đó chẳng hay ho, tốt đẹp gì, không ai khuyến khích làm thế, nhưng đó là thực tế cuộc sống buộc người ta phải chấp nhận, phải theo.

Chương trình thực nghiệm của chúng tôi không dạy đạo đức, mà dạy lối sống. Đạo đức là tính tự nguyện nằm trong trái tim, bên trong mỗi người và thể hiện ra bên ngoài bằng hành động. Dạy lối sống là dạy kỹ năng sống hàng ngày, kỹ năng giao tiếp, biểu hiện ngay ra những hành động như lễ phép với thày cô, bố mẹ, chan hòa với bạn bè. Ngay như giờ ăn trưa của chúng tôi cũng là một giờ học, có giáo viên dạy các em khi ăn không nhai nhồm nhoàm, tóp tép, không có tiếng thìa vét bát, ăn xong bát không còn dính thức ăn mới mang ra chỗ rửa…

Tôn trọng học sinh

Khi làm hiệu trưởng trường Thực nghiệm, có vụ xử phạt học sinh nào khiến bà nhớ nhất?

Chúng tôi luôn tôn trọng trẻ em, tôn trọng cá tính của các em, miễn là cá tính đó không phương hại đến người khác. Tôi nhớ có lần các em nói chuyện trong lớp, cô giáo bảo ai không muốn nghe cô giảng thì ra khỏi lớp. Thế là có tới 6 em đứng lên ra khỏi lớp. Cô giáo cũng “sốc” vì chỉ nói thế thôi nào ngờ các em ra khỏi lớp thật.

Tôi gọi các em lên thì chúng nói cô giáo bảo thế. Lúc đó biết làm thế nào, lại hỏi ra khỏi lớp thì đi đâu. Các em bảo bên cạnh trường có bác đang lợp nhà, để chúng em sang giúp. Đành để cho chúng giúp vậy, nhưng sau cũng phải nói cho các em hiểu tâm trạng của cô giáo khi nói trên bục giảng mà dưới không nghe, đồng thời nhắc lần sau không được làm như thế nữa.

Học sinh trường Thực nghiệm vẫn có tiếng là cá tính!

Quan điểm của chúng tôi là giáo dục cho trẻ em trở thành chính mình. Trở thành chính mình nghĩa là anh nhận việc gì thì phải có trách nhiệm với việc đấy.

Mọi việc chúng tôi để học sinh tự làm hết. Như làm bích báo, tự các em viết, vẽ, trình bày, thày cô chỉ hướng dẫn chứ không can thiệp. Có cô giáo thấy bích báo của một lớp đẹp quá nghi là do người lớn vẽ, mới gọi em học sinh đó lên, đưa ra một tờ giấy trắng, em ấy vẽ luôn, còn đẹp hơn.

Trở thành chính mình còn thể hiện ở chỗ trong mọi việc phải có nhận thức, đánh giá của bản thân, không phụ thuộc vào người khác.

Có lần lớp trực nhật tuần đó chấm điểm các lớp và để lớp mình xếp thứ nhất. Khi về lớp, em lớp trưởng thấy lớp mình còn nhiều khuyết điểm mà các bạn lại tự cho điểm cao nên em đã lên gặp ban giám hiệu xin được chấm lại và đánh tụt lớp mình xuống.

Phải đánh giá được chính mình

Đó là những thứ mà hiện nay chúng ta đang thiếu. Bởi nếu có trách nhiệm người ta sẽ không thể làm những cây cầu vừa xây xong đã sập. Nếu có trách nhiệm người ta sẽ không xả các chất độc hại ra môi trường… Nếu tự đánh giá được bản thân, người ta sẽ không nhắm mắt làm theo chỉ đạo của cấp trên dù biết điều đó là sai?

Đúng vậy, nếu có trách nhiệm thì làm sao có thể xây ra những công trình nghìn tỉ rồi để đắp chiếu, gây lãng phí tiền của của nhân dân. Làm sao để từ người lãnh đạo, quản lý đến mỗi nhân viên, công nhân đều phải làm hết sức mình với trái tim và tinh thần trách nhiệm.

Không phải người trên bảo gì mình mới làm, có lợi ích gì mới làm, tức là không bị phụ thuộc vào những lý do khác, mà bản thân anh thấy việc đó là cần thiết.

Nếu anh sống mà lúc nào cũng sợ, cũng phải nghe theo, lựa theo người khác, dựa vào những người xung quanh là không được. Phải có khả năng đánh giá người khác và đánh giá đúng bản thân mình. Cuộc đời chả ai hoàn hảo cả, nhưng anh phải đánh giá được chính mình.

Đây là điểm rất tiến bộ vì hiện nay trong trường học vẫn là mô hình thày giảng trò chép, học sinh rất thụ động, em nào mà có ý kiến khác với giáo viên là bị điểm kém ngay?

Học sinh Thực nghiệm ra trường ngoài học hay bị chê là kiêu căng vì thế đấy. Học ngoại ngữ, cô giáo đọc sai hay viết sai, học sinh hỏi lại là cô không bằng lòng, cho rằng nó hỗn.

Còn ở trường Thực nghiệm chúng tôi không hạn chế năng lực của học sinh. Em nào có khả năng về văn, toán, vẽ, hay thể dục thể thao… đều được phát huy hết. Thế nên ra trường, các em chọn được trường, chọn được nghề phù hợp.

Phụ huynh rất thích, rất tin cách giáo dục của chúng tôi vì họ thấy con cái họ phát triển hàng ngày. Ngày nào về người ta cũng thấy có cái khác, có cái tiến bộ.

Trong trường dạy về trách nhiệm và để học sinh phát triển cá tính…, nhưng khi vào đời lại không được như thế sẽ khó sống?

Chưa cần ra đời, mà chỉ cần chuyển sang trường khác, các em đã phải điều chỉnh để thích nghi rồi. Ví dụ ở trường Thực nghiệm học sinh phát biểu thoải mái, nhưng ra trường ngoài phải giơ tay xin phát biểu. Cái đó cũng phải điều chỉnh. Rồi thắc mắc lần đầu bị cô cho điểm kém thì lần sau nó phải tự rút kinh nghiệm.

Còn những điều thuộc về đạo đức, lối sống, trách nhiệm… những điều tốt đẹp ở trường dạy thế, nhưng còn về nhà, ra xã hội nữa chứ. Thế nên cũng tiếc lắm.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Nhật Minh thực hiện

BẢN DESKTOP