Y học và đời sống

Trị nghẹt mũi cho trẻ nhỏ bằng cách nào?

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/h)
Nghẹt mũi khiến trẻ khó ngủ, có thể gây nhiễm trùng xoang, khó khăn khi bú do hơi thở tắc nghẽn.

Thời tiết thay đổi ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là bé thường xuyên gặp phải triệu chứng nghẹt mũi. Không chỉ khiến bé khó chịu, nghẹt mũi còn ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe và giấc ngủ của bé.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo WebMD, có một số cách phòng ngừa, hỗ trợ giảm nghẹt mũi cha mẹ có thể làm tại nhà. Đầu tiên, hãy xem chẩn đoán của bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây nghẹt mũi.

Nếu bé chưa được khám, cha mẹ có thể hút chất nhầy ở mũi của trẻ bằng cách xịt nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi.

Mỗi bên mũi nhỏ hai giọt để làm lỏng chất nhầy bên trong. Sau đó, dùng bóng hút để rút nước muối và chất nhầy. Hãy bóp bóng trước khi đặt vào mũi trẻ. Nếu bạn bóp bóng sau khi đặt vào lỗ mũi, bóng sẽ tạo luồng khí đẩy chất nhầy vào sâu hơn trong khoang mũi.

Trẻ nên được hút chất nhầy trong mũi khoảng 15 phút trước khi ăn và trước khi ngủ. Cách này giúp trẻ bú mẹ, bú bình hoặc ngủ tốt hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể sử dụng máy hóa hơi hoặc máy tạo độ ẩm sương mát lạnh trong phòng của bé.

Bên cạnh đó, gia đình nên khuyến khích con uống nhiều nước hơn. Bình thường nước cũng đã rất quan trọng với cơ thể nhưng khi bị cảm giác tắc nghẹt cơ thể sẽ có nhu cầu cần nước hơn bình thường. Nước cũng sẽ làm loãng dịch đường hô hấp...

Đôi khi, không phải cứ ngạt mũi, sổ mũi mới cần điều trị. Nếu các triệu chứng không ảnh hưởng tới em bé, cha mẹ không cần quá lo lắng. Cha mẹ nên chờ đợi và theo dõi sát tình trạng cơ thể của bé nếu con hoạt động và ăn uống bình thường.

Nếu cha mẹ lo lắng về tình trạng nghẹt mũi hoặc bé bị sốt hoặc ho, thở gấp, lồng ngực rút lõm, hãy đưa bé đi khám. Cảm lạnh ở trẻ có thể nghiêm trọng hơn viêm thanh khí phế quản hoặc viêm phổi.

Một số cách phòng ngừa nghẹt mũi cho bé

Mặc dù thời tiết thay đổi dễ khiến bé bị nghẹt mũi, nhưng nếu ba mẹ chủ động phòng ngừa thì bé vẫn có thể không mắc phải tình trạng này.

- Ba mẹ cần giữ ấm cơ thể cho bé, đặc biệt là vào những thời điểm giao mùa.

- Bé cần được tiêm phòng cảm cúm đầy đủ.

- Tránh để bé tiếp xúc với người bị cảm cúm, cảm lạnh.

- Đeo khẩu trang cho bé khi đi ra ngoài, hoặc ở nơi có người bị bệnh.

- Bổ sung nhiều rau củ quả, thực phẩm giàu sắt và vitamin C để tăng sức đề kháng cho bé.

Tuấn Huy (T/h)

BẢN DESKTOP