Dinh dưỡng học đường

Trị ho bằng thực phẩm

  • Tác giả : LY Nguyễn Văn Phúc
(khoahocdoisong.vn) - Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa dễ khiến trẻ ho khan. Đông y coi bệnh phần nhiều do phế âm hư, ngoại cảm phong nhiệt (viêm nhiễm), chế độ ăn uống không phù hợp, điều trị căn bệnh này bằng thực phẩm thế nào?

Trẻ em hoặc người lớn ho khan, biểu hiện ho cơn, đàm vàng, đàm đặc và ít, có khi đau họng, nóng sốt, mặt đỏ, họng khô, người mệt mỏi, đại tiện táo, nước tiểu vàng...khi có biểu hiện này để phòng và trị bệnh nên dùng món ăn mát phế, giải nhiệt, dưỡng âm chữa rất hiệu quả.

Ho thở dốc, viêm họng khàn tiếng phát sốt: Rau cải 100g hoặc hơn phối hợp cá lóc hoặc cá rô, cá chép, phổi heo, gia vị vừa đủ nấu canh hoặc xào ăn. Món ăn rất hữu hiệu với trẻ ho ngực sườn đầy, không muốn ăn, đờm vàng.

Viêm đường hô hấp, sốt nhẹ về chiều: Rau má 100g hoặc hơn phối hợp thịt heo, phổi heo hoặc cá lóc, cá chép, cá rô, thịt ngao, gia vị vừa đủ nấu canh hoặc luộc, xay sinh tố uống.

Đau họng phát sốt, miệng khô mặt đỏ: Rau diếp 150g hoặc hơn ăn sống, luộc, xay sinh tố hoặc ăn lẩu, hay ăn với sốt cà chua thịt băm. Món ăn rất hiệu nghiệm với trẻ ho có sốt, ho khan, ho tức ngực sườn.

Ho kèm bụng đầy, rối loạn tiêu hóa: Giá đậu 200g hoặc hơn ăn sống, ăn lẩu, nấu canh chua, luộc, ép nước uống chữa ho đau họng khàn tiếng, ho thở khò khè, ho bụng đầy rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon. Hoặc củ cải 150g phối hợp khoai tây, cà rốt, xương thịt động vật, gia vị vừa đủ hầm nấu canh ăn.

Ho có ói khan: Dùng nước mía ép ngày 1-2 ly vắt chanh (quất) uống hoặc mía cây cắt khúc chẻ ăn. Nước mía phù hợp với trẻ ho khan, ho cơn, miệng khô, đau họng, sốt nhẹ về chiều, ho ói khan không muốn ăn.

Ho do phong nhiệt: Dùng 200g trái sơ ri chín hoặc hơn ăn tươi, ép lấy nước uống. Chữa trị viêm họng khàn tiếng, ho đau họng phát sốt, đàm vàng,  viêm amiđan, ho do ngoại cảm phong nhiệt.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

LY Nguyễn Văn Phúc

BẢN DESKTOP