Y học và đời sống

Trị các bệnh về đường tiêu hóa bằng cây niễng

Cây niễng thân thảo, sống lâu năm, mọc ngầm trong bùn nơi có nước, phần thân giả cao 0,8– 1m. Thân rễ phát triển thành củ xốp mềm, có nhiều rễ phụ. Cây niễng có thể chữa các bệnh về đường tiêu hóa rất tốt.

Cây niễng có lá thuôn hình dải dài 30– 70cm, rộng 2– 3 cm, đầu nhọn, mặt phẳng, cả hai mặt đều nháp, mép lá dầy hơn, bẹ lá nhẵn có khía rãnh. Cụm hoa mọc dài 30– 50cm, có hình bầu dục, cuống khỏe, có nhiều nhánh thẳng, mang hoa nhỏ.

Cây niễng được trồng và mọc hoang ở nhiều vùng của nước ta, nhất là nơi có nhiều hồ ao để lấy củ làm rau ăn và được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Cây niễng có vị ngọt, mùi thơm, ngon, tính lạnh không độc, có chất béo. Có tác dụng làm mát, giải nhiệt, hạ nhiệt trong hệ thống tiêu hóa, chữa các bệnh đau bụng nhiệt, kiết lị, táo bón, chữa say rượu.

Thuốc chữa táo bón

Bài 1: Củ niễng 150g, khoai lang 100g, thịt lợn nạc 100g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ. Các nguyên liệu trên chế biến thành món xào, cho bệnh nhân ăn lúc đói, ngày 1 lần, cần ăn liền 3 -5 ngày.

Bài 2: Củ niễng 150g, khoai tây 100g, đu đủ gần chín 50g, thịt thỏ 100g, bột gia vị vừa đủ. Đem hầm nhừ cho bệnh nhân ăn, ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 3 – 4 ngày.

Thuốc chữa bệnh kiết lị mạn có máu

Củ niễng 100g, lá mơ lông 50g, trứng gà 2 quả. Củ niễng, lá mơ giã nhỏ, đập trứng vào đánh cho đều, lấy lá chuối cắt cho vừa lòng chảo, để lá chuối vào chảo, cho củ niễng và trứng vào, dàn mỏng đều, đun trên lửa nhỏ, khi chín cho bệnh nhân ăn ngày 2 lần lúc đói, cần ăn liền 7– 10 ngày.

Thuốc chữa bệnh đau bụng do dạ dày bị nhiệt

Củ niễng 100g, rửa sạch xay nhỏ cho bệnh nhân uống, ngày 2 lần.

LY. Hoài Vũ (Hội Đông y VN)

BẢN DESKTOP