Giáo dục

Trẻ tự kỷ cần được phát hiện sớm

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, tự kỷ không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu có sự can thiệp sớm và đúng hướng dẫn, trẻ sẽ có cuộc sống tốt.

Lời giáo huấn với trẻ tự kỷ không hiệu quả

Chị Nguyễn Hồng Anh (Gia Lâm, Hà Nội) có con 5 tuổi bị tự kỷ nhẹ, chia sẻ, chị phát hiện ra con có bất thường về sức khỏe khi cháu 2 tuổi mà vẫn không nói được, không thích giao tiếp. Mới đầu, biết con bị bệnh, chị cũng rất buồn, tự trách mình đã chăm sóc con không tốt. Giờ hiểu về căn bệnh, tâm lý chị đã ổn định hơn.

TS Nguyễn Hương Giang.

TS Nguyễn Hương Giang.

Trao đổi với KH&ĐS về căn bệnh tự kỷ, TS Nguyễn Hương Giang, giáo viên phát triển trí lực cho học sinh tự kỷ bị khiếm ngôn tại Mỹ cho biết, theo các nghiên cứu khoa học, tự kỷ không phải do chấn thương về tình cảm gây ra, cũng không phải là bệnh tâm thần. Tự kỷ cũng không phải do cha mẹ không biết nuôi dạy mà là bẩm sinh. Ước tính bình quân cứ 88 trẻ thì có 1 trẻ tự kỷ, với tỷ lệ nam cao gấp 5 lần nữ.

Tự kỷ không thể chữa khỏi mà có thể coi là hội chứng trọn đời. Tuy nhiên, nếu có sự can thiệp sớm và đúng hướng thì người tự kỷ vẫn có thể có một tương lai tốt.

Cho nên, điều quan trọng ở đây là khi thấy con có những biểu hiện bất thường trong giao tiếp (bắt đầu từ hành vi ứng xử) thì nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Theo TS Nguyễn Hương Giang, biểu hiện người mắc hội chứng tự kỷ không giống nhau. Có người không nói được. Có người chỉ nói được vài từ hoặc câu rời rạc, không đủ khả năng giao tiếp bằng ngôn từ.

Có người lại khó khăn trong giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ. Có người thích vui chơi hiếu động. Có người sợ tiếp xúc với người lạ, hay hoảng loạn với tiếng ồn/ âm thanh.

Có người học hỏi một kỹ năng nào đó rất nhanh. Có người lại không thể tiếp thu cái mới. Có người trở thành tiến sĩ nhưng có người thì lại không biết đọc... Nhưng tựu chung ở sự bất bình thường trong hành vi ứng xử và khả năng tương tác xã hội.  

Tuy nhiên, người tự kỷ không tự nhận thức được sự khác biệt của mình nên rất cần sự chấp nhận hòa đồng từ xã hội. Không nên coi tự kỷ là một loại bệnh mà coi đó là sự đa dạng trong cuộc sống. 

"Trong việc chăm sóc, dạy trẻ, có một lưu ý là lời giáo huấn với đa số trẻ tự kỷ là không hiệu quả. Cần tập cho trẻ những thói quen đơn giản, đều đặn, có kế hoạch cụ thể, lặp đi lặp lại với những chỉ dẫn tỉ mỉ theo kiểu cầm tay chỉ việc sẽ giúp trẻ ghi nhận các kỹ năng và hành vi ứng xử như chúng ta mong muốn”, TS Giang chia sẻ.

Tương tác xã hội của trẻ là quan trọng nhất

Từng có hơn 20 năm gắn với công việc liên quan tới trẻ tự kỷ, ThS.BS Tâm lý Nguyễn Thị Hồng Thúy, khoa Tâm bệnh, Bệnh Viện Nhi Trung ương chia sẻ, tự kỷ là rối loạn không thể chữa khỏi, nhưng với một số trẻ được phát hiện sớm, có những can thiệp kịp thời thì trẻ ở mức độ bệnh nhẹ sẽ hòa nhập được với cộng đồng.

ThS. BS Nguyễn Thị Hồng Thúy hướng dẫn phụ huynh cách dạy con trong chương trình thăm khám miễn phí trẻ tự kỷ. Ảnh: Sơn Trà.

ThS. BS Nguyễn Thị Hồng Thúy hướng dẫn phụ huynh cách dạy con trong chương trình thăm khám miễn phí trẻ tự kỷ. Ảnh: Sơn Trà.

Vậy khi trẻ có dấu hiệu nào thì cha mẹ cần phải đưa con đi khám? Theo ThS Thúy, những dấu hiệu của trẻ thay đổi theo từng giai đoạn. Trước đây, có 5 dấu hiệu được gọi là cờ đỏ để nhận biết trẻ bị tự kỷ. Đó là: Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng; Không biết nói từ đơn khi 16 tháng; Không biết đáp lại khi được gọi tên; Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng; Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra những bảng kiểm để phát hiện những rối loạn về phát triển của trẻ sớm hơn.

Ví dụ, một trẻ 6 tháng, mà gọi không quay lại, không nhìn vào mắt, không quan tâm đồ chơi; hoặc một trẻ 9 tháng mà không thích đồ chơi, không theo bế, không nhìn thẳng vào mắt, gọi không quay lại thì đó sẽ là một số dấu hiệu để đi khám rồi.

Khó khăn nhất trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ, theo ThS Thúy, đó là những hành vi thách thức của trẻ. Điều này xuất phát từ việc trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn về giao tiếp, tương tác xã hội. Người khác không hiểu trẻ và các trẻ cũng không hiểu người khác, trẻ muốn một cái gì đó không đạt được và sẽ dẫn tới hành vi thách thức. Hành vi này có thể gây nguy hiểm cho bản thân trẻ và cho người khác.

Vì vậy, khi có con bị tự kỷ, điều quan trọng là gia đình phải đặt ra một kế hoạch, chương trình can thiệp… Trong đó, phải cần có sự kết hợp với các nhà chuyên môn. Vì can thiệp tự kỷ là theo nhóm, liên ngành chứ không thể chỉ một người. Tuy nhiên, gia đình vẫn là trọng tâm.

Điều đầu tiên là bố mẹ phải chấp nhận tình trạng bệnh của con. Thứ hai là lên kế hoạch cho đứa trẻ, cho chính gia đình. Bởi nếu không, khi đứa trẻ có hành vi thách thức thì cha mẹ sẽ có những stress. Kế hoạch này rất rộng lớn, bao gồm cả vấn đề về kinh tế, thời gian dành cho con.

Với những trẻ tự kỷ nặng thì không đặt mục tiêu con đi học phải đọc, biết chữ… mà là đứa trẻ sẽ hòa nhập được, không gây ra hành vi thách thức, ở đây là khả năng thích ứng xã hội: Giao tiếp, tự phục vụ, vui chơi, tham gia những hoạt động cộng đồng…

Một số trẻ tự kỷ thông minh, trẻ sẽ nổi trội hơn trong một số lĩnh vực, như trí nhớ về hình học, hình ảnh, âm thanh… Tuy nhiên, trẻ sẽ vẫn gặp vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ. Nhiều cha mẹ cho rằng đây là năng khiếu đặc biệt của con và muốn bồi dưỡng năng khiếu này. Nhưng  vấn đề đáng quan tâm hơn là sự tương tác xã hội của con.

“Nhiều bố mẹ chú ý cái trội nhưng lại quên mất cái nền của đứa trẻ là kỹ năng tương tác xã hội và giao tiếp. Giao tiếp ở đây không phải nói, nhiều, bởi nhiều trẻ nói rất giỏi, mà ở đây là hiểu. Ví dụ, khi người khác hỏi, trẻ biết trả lời hoặc nói chen vào. Hoặc biết chơi với trẻ khác, có cảm xúc tình cảm phù hợp với mọi tình huống, biết vui khi được người khác công nhận thành tích của mình, biết khoe, biết mách…”, ThS Thúy nói.

“Tự kỷ là hội chứng bẩm sinh. Nhưng những yếu tố như hạnh phúc gia đình, sự quan tâm của bố mẹ… sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của bệnh. Cho nên, trẻ tự kỷ cần được yêu thương và quan tâm. Ít nhất cần 3-5 tiếng một ngày bố mẹ cần tiếp xúc, chơi cùng với con”, ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Thúy.

Mai Nguyễn

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP