Dinh dưỡng học đường

Trẻ tiêu hóa kém nên ăn sữa chua

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Sữa chua là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng, đặc biệt là những người có hệ tiêu hóa kém.

Trong thành phần của sữa chua có axit lactic được lên men tự nhiên, axit này có tác dụng tốt giúp gia tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, bản thân trong sữa chua cũng có các protic lợi khuẩn, giúp cung cấp thêm cho hệ vi khuẩn đường ruột, làm tăng hoạt động tiêu hóa. Sữa chua cho trẻ em còn được bổ sung thêm vitamin D, DHA, canxi nên càng là thực phẩm bổ dưỡng.

ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Trưởng phòng Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, sữa chua là sản phẩm sữa được sản xuất bởi vi khuẩn lên men. Mọi loại sữa có thể dùng để làm sữa chua, nhưng sữa bò được dùng nhiều nhất. Sữa lên men thành sữa chua do vi khuẩn lactic và hiện tượng này gọi là lên men lactic. Sữa chua có vị sánh, sệt do vi khuẩn lactic đã chuyển đường trong sữa thành axit lactic từ đó làm cho độ pH trong sữa giảm thấp, gây kết tủa protein trong sữa.

Giá trị dinh dưỡng của sữa chua phụ thuộc vào nguyên liệu để làm nên loại sữa chua  đó. Nhưng sữa chua còn ưu việt hơn là chứa các vi khuẩn có lợi rất tốt cho hệ tiêu hóa nhất là những người bị rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn, do dùng kháng sinh, những người bị táo bón, bị tiêu chảy kéo dài do bất dung nạp đường lactose trong sữa. Cho nên trong trường hợp không thích ăn sữa có thể tăng lượng sữa chua ăn hằng ngày lên đối với cả người lớn và trẻ nhỏ.

Trẻ em bị tiêu chảy hoặc táo bón đều có thể sử dụng sữa chua để cải thiện tình trạng bệnh. Vì sữa chua chứa các vi khuẩn có lợi thuộc các chủng sinh lactic có khả năng liên kết với các vi nhung mao của ruột nên tốt cho hệ tiêu hóa. Nhờ tính năng này, các vi khuẩn có lợi tranh chấp các vị trí gắn vào niêm mạc ruột của các vi khuẩn có hại, đồng thời chống lại việc xâm nhập của vi khuẩn có hại vào lớp dịch nhày, bảo vệ ruột. Chính vì vậy, vi khuẩn có lợi trong sữa chua giúp giảm nguy cơ và rút ngắn thời gian bị tiêu chảy.

Trong sữa chua cũng có một loại đạm có nguồn gốc từ beta-casein sữa bò đã lên men, giúp tăng tạo và duy trì lớp dịch nhày bao phủ trên bề mặt ruột non. Lớp dịch nhày này có tác dụng như một lá chắn giúp tăng khả năng bảo vệ ruột non khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh vào màng ruột, bảo vệ hệ thống tiêu hóa. Đối với trẻ táo bón, sữa chua còn có các chất xơ là thức ăn cho các vi khuẩn sinh sinh trưởng, phát triển nên vừa có tác dụng củng cố và hỗ trợ cho sự phát triển của các lợi khuẩn, vừa là yếu tố giúp tăng nhu động ruột tránh táo bón và hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ đi học nên cho ăn mỗi ngày 1 – 2 hộp sữa chua. Tốt nhất nên ăn sau bữa ăn khoảng 1 giờ, ăn sữa chua vào buổi tối sẽ tốt hơn. Khi cho trẻ ăn sữa chua nên chọn loại ít đường để tạo thói quen ăn ít ngọt cho trẻ.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP