Dữ liệu y khoa

Trẻ hóa bệnh người già - Kỳ 5: Mắc ung thư tuyến giáp di căn khi mới 3 tuổi

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - UTTG ngày càng gia tăng và trẻ hóa, không chỉ ở người trưởng thành mà cả trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ 3 tuổi. Điều đáng nói là không chỉ người dân mà ngay cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng không nghĩ đến trẻ bị UTTG nên có thể chẩn đoán nhầm. 

Ung thư đã di căn nhiều nơi

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, ung thư tuyến giáp (UTTG) ngày càng gia tăng và trẻ hóa, không chỉ ở người trưởng thành mà cả trẻ nhỏ. Bệnh viện đã phát hiện và phẫu thuật cho nhiều trường hợp có độ tuổi từ 6 - 9 mắc UTTG. Đặc biệt là trường hợp nhỏ tuổi nhất được phát hiện và chữa trị là bệnh nhi N.Q.D. mới có 3 tuổi (Quảng Bình) bị UTTG thể tủy di căn.

Gia đình cho biết trước khi nhập viện khoảng 2 tháng, bé xuất hiện các triệu chứng khò khè, khó nuốt, khó thở, sờ thấy tại vùng cổ xuất hiện các hạch nhỏ. Gia đình đã đưa bé tới bệnh viện tại địa phương để kiểm tra nhưng không phát hiện ra bệnh. Sau một thời gian sử dụng đơn thuốc được kê không thấy có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí tình trạng khò khè, khó thở nặng hơn nên bố mẹ đã quyết định cho bé ra Bệnh viện Nội tiết T.Ư khám.

Bé được chẩn đoán UTTG với mức độ di căn nhiều hạch cổ 2 bên. Khối u đã phát triển lớn chèn ép khí quản gây khó thở. Ca mổ phải thực hiện hơn 2 giờ do mức độ di căn lan rộng vào cả dây thần kinh vặn ngược, tĩnh mạch cảnh và khí quản gây đè bẹp khí quản khiến cho việc đặt nội khí quản trong quá trình gây mê, quá trình bóc tách, nạo các nhóm hạch ở vùng cổ hết sức khó khăn.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, điều đáng nói là không chỉ người dân mà ngay cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng không nghĩ đến trẻ bị UTTG nên có thể chẩn đoán nhầm. 

Trong vòng 10 năm trở lại đây, UTTG được xếp hạng là loại ung thư có tốc độ gia tăng cao hơn bất kỳ loại ung thư nào và ngày càng trẻ hóa, phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi trẻ từ 15 - 29. Tỷ lệ UTTG ngày càng tăng, gặp nhiều hơn ở những gia đình có tiền sử về loại bệnh này, có dùng tia X bức xạ ở đầu và cổ hoặc chế độ ăn uống iốt thấp, hệ miễn dịch bị rối loạn, sự thay đổi hormon hay người bệnh từng mắc bệnh về tuyến giáp... 

Dấu hiệu không rõ ràng

Các chuyên gia cho biết, UTTG phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới, khoảng 6,7 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, UTTG đứng hàng thứ 9, khoảng 5.000 ca mắc mới mỗi năm. Bệnh được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, bệnh thường không có các dấu hiệu rõ ràng nên tiềm ẩn nguy cơ di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Nhiều bệnh nhân ung thư xâm lấn ra thực quản, khí quản, động tĩnh mạch cảnh khiến việc bóc tách khối u di căn vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Một số trường hợp khối u xâm lấn không thể cắt bỏ hoàn toàn khiến hiệu quả điều trị sau phẫu thuật thấp, khả năng tái phát cao.

Chẳng hạn như một bệnh nhi 15 tuổi ở Lào Cai đến khám chỉ sau 10 ngày có triệu chứng mệt mỏi tăng dần, hồi hộp trống ngực nhưng kết quả chụp cắt lớp khối u đã di căn nhiều nơi, kích thước hạch lớn 35x28mm...

Vì vậy, PGS.TS Trần Ngọc Lương khuyên, người dân nên có ý thức tự phát hiện u tuyến giáp khi soi gương, đeo dây chuyền hoặc cài khuy cổ áo... Khi thấy dấu hiệu bất thường cần đi siêu âm tuyến giáp để đánh giá có u hay không. Khi nhân tuyến giáp phát triển đủ lớn có thể gây ra các triệu chứng như thấy khối ở vùng cổ, đau vùng cổ, chèn ép khí quản gây khó thở, chèn ép thực quản gây khó nuốt, nuốt vướng; ít gặp hơn là chèn ép vào thanh quản gây nói khàn, thay đổi giọng nói... mới đi khám thì UTTG đã di căn.

Người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần - trong đó có siêu âm tuyến giáp. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh lý này mỗi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh,có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hóc môn tuyến giáp; Bổ sung đầy đủ iốt cho cơ thể, qua muối ăn hằng ngày hoặc các loại thực phẩm... Tuy nhiên, chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg; Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng; Không hút thuốc lá, rượu, bia, chất kích thích...; Hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo...

Thúy Nga

BẢN DESKTOP