Dữ liệu y khoa

Trẻ hóa bệnh người già - Kỳ 4: Tăng mỡ máu ở người trẻ do di truyền và lối sống thiếu cân bằng

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Cứ 200 - 250 người có 1 người mắc bệnh tăng cholesterol máu di truyền, dẫn đến các bệnh tim mạch hay cao mỡ máu ở người trẻ. Tỷ lệ này trở nên đáng lo ngại khi nhiều người còn ỷ lại rằng chỉ khi béo phì, thiếu vận động mới bị cao mỡ máu.

Cẩn trọng với tiền sử gia đình

Tăng cholesterol máu (hay cao mỡ máu) không còn là “bệnh nhà giàu” mà bất kỳ ai, người gầy, người dưới 40 tuổi, trẻ em, mang đột biến gene vẫn có thể âm thầm diễn tiến bệnh mà chưa được phát hiện và điều trị đúng cách. Nhiều trường hợp như bệnh nhân N.T.T. được chẩn đoán cao mỡ máu từ năm 2012, được điều trị thuốc đều đặn, nhưng đã phải nhập viện vì cơn nhồi máu cơ tim khi mới 32 tuổi. 

Bên cạnh chế độ ăn thiếu cân bằng, thiếu vận động, gene di truyền cũng góp một phần tăng cholesterol máu (mỡ máu cao).

Bên cạnh chế độ ăn thiếu cân bằng, thiếu vận động, gene di truyền cũng góp một phần tăng cholesterol máu (mỡ máu cao).

Theo TS Giang Hoa, Viện phó Viện Di truyền Y học TPHCM, tăng cholesterol máu có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ khi chẩn đoán đúng, điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả điều trị cao nhất. Điều trị sai trong thời gian dài sẽ giảm hiệu quả điều trị, thậm chí vô nghĩa đối với bệnh nhân, sau 7 - 10 năm, các biến chứng từ tăng cholesterol máu vẫn xuất hiện như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ...

Các nghiên cứu cho thấy, tuy có cùng chỉ số LDL - C máu, người mang đột biến gene di truyền lại có nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành trung bình cao gấp 3 lần người bình thường và nguy cơ này càng tăng khi nồng độ LDL-C máu càng cao.

Nếu gia đình có người thân bị bệnh mạch vành/tim mạch sớm (nam < 55 tuổi, nữ < 60 tuổi), nguy cơ cao là do yếu tố di truyền; những người thân cùng huyết thống có nguy cơ mắc bệnh cao do đây là bệnh di truyền trội - chỉ cần cha hoặc mẹ mắc bệnh, mỗi người con có 50% khả năng mắc bệnh.

Dựa vào bệnh trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm các nhóm gene liên quan trực tiếp đến một số tình trạng như cơ tim phì đại, cơ tim giãn nở, rối loạn nhịp tim… từ đó giúp xác định chẩn đoán, hỗ trợ điều trị và cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân.

Khắc phục tăng mỡ máu, ưu tiên chế độ ăn

Còn theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch, Đại học Y Dược TPHCM, nếu như trước đây, người ta chỉ đề cập đến rối loạn mỡ máu ở tuổi từ 60 trở lên, thì hiện nay, ngay từ tuổi trên 20 đã nhiều người mắc bệnh. Hậu quả trực tiếp của rối loạn chuyển hóa mỡ máu là biến chứng mạch máu gây xơ vữa động mạch dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.

Thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, người gầy nếu có chế độ ăn uống không lành mạnh: Sử dụng rượu bia, hút thuốc, ăn nhiều nội tạng động vật cũng sẽ có khả năng mắc bệnh máu nhiễm mỡ cao.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam khuyến nghị, những người bị mỡ trong máu cao cần kiểm soát ăn uống một cách nghiêm túc: Ăn những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm dược làm từ đậu, thịt nạc thăn… Rau xanh có chứa nhiều chất xơ giúp giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol; không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hoá và sẽ làm cho cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.

Rau xanh có chứa nhiều chất xơ giúp giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.

Rau xanh có chứa nhiều chất xơ giúp giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.

Ngoài ra, nên thực hiện một chế độ ăn nhạt có lợi cho tim mạch và sức khỏe tổng thể; kiêng thức uống có cồn; tăng cường các thực phẩm ít béo như cá, đậu phụ, đỗ tương, các thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu (gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà...).

Máu nhiễm mỡ nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể. Bởi máu nhiễm mỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mảng xơ vữa ở thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não… Nặng nề hơn nữa, vỡ các mảng xơ vữa làm lấp mạch não (đột quỵ) hoặc nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Tăng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, tăng đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, nếu triglyceride quá cao (> 1.000mg/dl) có thể gây ra viêm tuỵ cấp.

An Quý

BẢN DESKTOP