Bình luận

Trẻ em hãy biết nói “không” với cái sai

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, sự việc hiệu trưởng dâm ô với nhiều học sinh nam ở Phú Thọ cho thấy nhiều lỗ hổng về đạo đức nhà giáo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng như trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, sự việc hiệu trưởng dâm ô với nhiều học sinh nam ở Phú Thọ cho thấy nhiều lỗ hổng về đạo đức nhà giáo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng như trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em.

Cứ xảy ra việc mới ầm lên

Mới đây, CQĐT công an huyện Thanh Sơn đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My hiệu trưởng trường phổ thông DTNT THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) để điều tra làm rõ thông tin ông này dâm ô với nhiều học sinh nam. Thời điểm CQĐT công an huyện Thanh Sơn đọc lệnh bắt giữ ông My tại trường, ông My đã nói lời xin lỗi tới toàn thể giáo viên và học sinh trong trường. Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, đã bảo giờ xảy ra những chuyện đau lòng tương tự thưa ông?

Trước đây thi thoảng cũng có những sự việc đau lòng kiểu như thế này. Còn nhớ cách đây 2-3 năm có vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở Tuyên Quang cũng do một giáo viên thực hiện, sau đó cũng đã bị xử lý. Dù rất đau lòng nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói chuyện này không quá hiếm, và không phải bây giờ mới có. Chuyện xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục nam nói riêng đang là những vấn đề cảnh báo trong nhà trường.

Vậy có thể nói những sự việc được phát hiện chỉ là con số nhỏ so với thực tế có thể diễn ra?

Cũng không thể đánh đồng một hai trường hợp thành phổ biến, rằng giáo viên nào cũng như thế hay có nguy cơ như thế. Mà đây là vấn đề cần nhận được sự quan tâm của nhà trường và các tổ chức khác. Không nên có kiểu bình thường thì không đả động gì đến, có việc xảy ra rồi mới xúm vào làm ầm lên.

Học sinh ở trong nhà trường, tưởng như là an toàn nhất rồi, vậy mà không phải thế. Vậy học sinh, trẻ em đang được bảo vệ thế nào?

Tôi cũng đặt ra câu hỏi ấy. Chúng ta có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng không ai hành động, không ai quan tâm, kiểm tra, đánh giá, lên tiếng, giáo dục, phát hiện… cho đến khi sự việc vỡ lở thì mới xúm vào, làm ầm lên. Kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, sự đã rồi thì mới đặt vấn đề quan tâm nọ kia, như thế là rất thiếu khoa học. Để giải quyết gốc rễ vấn đề thì phải có cái nhìn toàn diện. Trong đó, hai điều quan trọng nhất là đạo đức nhà giáo và vấn đề bảo vệ trẻ em.

Đối với trường hợp ông hiệu trưởng xâm hại học sinh nam ở Phú Thọ thì hai vấn đề này nên được mổ xẻ thế nào?

Theo những kết luận ban đầu thì ông ta mắc một loại bệnh lý mới dẫn đến hành động xâm hại học sinh nam như thế. Đáng lẽ khi tuyển chọn giáo viên phải thực hiện tốt hơn, công tác bồi dưỡng, huấn luyện giáo viên phải thường xuyên hơn. Ví dụ những trường hợp mắc bệnh lý như ông hiệu trưởng ở Phú Thọ phải được tư vấn chọn ngành nghề nào đó phù hợp hơn chứ không phải là nghề giáo.

Nhưng khi tuyển dụng, đa phần chúng ta dựa trên hồ sơ học tập, thành tích, chứ có mấy khi dựa trên hồ sơ bệnh án?

Nói thế để thấy khâu chọn lựa giáo viên cũng phải làm tốt hơn nữa, tránh để những người bị bệnh lý như vậy vào môi trường giáo dục làm mất đi hình ảnh đẹp của người thầy.

Tổn thương tâm lý khó lành

Hậu quả để lại cho những học sinh từng bị xâm hại sẽ như thế nào, đứng ở góc độ tâm lý nhìn nhận, thưa ông?

Đây là hiện đượng đáng lo ngại, nó có tác hại rất lớn đối với trẻ em. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình hình thành nhân cách, phát triển thể lực, tâm sinh lý của trẻ trong tương lai. Vì các em mới chỉ có 14-15 tuổi. Không những thế, những em này còn khó có cơ hội thành công, hạnh phúc trong cuộc sống bởi nỗi đau mà trẻ phải chịu đựng quá lớn. Các em luôn phải sống trong sự dò xét của người thân bạn bè, sợ bị kỳ thị và suốt đời giam mình trong bóng đêm mà không tìm thấy lối thoát. Nỗi đau này sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời các em.

Đó là những tổn thương tâm lý khó lành?

Tâm lý các em sẽ bị xáo trộn rất nặng ít nhất là trong quãng thời gian này. Chính vì thế, ngay lúc này cha mẹ hãy giống như một chuyên gia tâm lý. Có lẽ, sẽ phải mất thời gian dài để vết thương này lành lại, thế nhưng liệu pháp tinh thần sẽ giúp các em dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống.

Chắc có lẽ không hình phạt nào là thỏa đáng với vị hiệu trưởng kia?

Các cơ quan chức năng sẽ dựa trên các quy định để xử lý đúng người, đúng tội. Có điều phải làm thế nào để các em khác không là nạn nhân tiếp theo của những kẻ bệnh hoạn khác? Đặc biệt là trong môi trường giáo dục của nhà trường lại càng phải đấu tranh quyết liệt hơn. Đừng để việc đến trường với các em là nỗi ám ảnh, hoang mang, đớn đau. Và cũng đừng bôi những vết mực đen vào ngành giáo dục bởi vẫn còn những thầy cô tâm huyết, yêu nghề, hy sinh cuộc sống cá nhân vì nghề ở khắp mọi nơi.

Ngày 17/12, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Phùng Quốc Lập ký công văn gửi Bộ GD&ĐT về vụ việc. Trước đó, ngày 15/12, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Sở GD&ĐT Phú Thọ, đề nghị xác minh, báo cáo việc một số học sinh nam tố hiệu trưởng lạm dụng tình dục. Bộ GD&ĐT khẳng định đây là hành vi không thể chấp nhận được, yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, xác minh và phối hợp các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm vụ việc vi phạm đạo đức trên (nếu có).

Học sinh có nhiều quyền mà không biết

Qua câu chuyện xâm hại tình dục đau lòng này, ở góc độ một nhà giáo dục, ông có lời khuyên nào cho các em?

Học trò có rất nhiều quyền nhưng các em lại không biết điều này. Nếu nhà trường đảm nhận tốt vai trò giáo dục của mình thì sẽ phải dạy cho các em biết các em có quyền gì. Không phải mệnh lệnh nào từ người thầy các em cũng buộc phải tuân theo, nếu đó là điều các em thấy không đúng, không phù hợp, các em hoàn toàn có quyền từ chối. Với những điều sai trái, các em có quyền lên tiếng, không vì sợ mà phải im lặng chấp nhận.

Nhưng đứng ở góc độ tâm lý học trò thì đa phần rất sợ giáo viên?

Sợ là một chuyện, nhận thức được cái gì đúng, cái gì sai là chuyện khác. Để làm được thế thì nhà trường phải dân chủ, tôn trọng học sinh, coi học sinh là những trẻ em, có đầy đủ quyền để nói lên tiếng nói của mình. Nếu bắt các em răm rắp nghe lời như cái máy thì dễ làm triệt tiêu tính sáng tạo của các em, đồng thời cũng là điều kiện để cái xấu có thể tìm chỗ đứng.

Trong nhà trường, ai sẽ là người quyết định tính dân chủ này?

Hiệu trưởng là quan trọng nhất, rồi đến các giáo viên. Không ai có quyền bắt học trò phải làm tất cả mọi thứ theo ý mình cả. Các em có suy nghĩ riêng, quan điểm riêng, cần thiết thì cũng có thể lên tiếng tố cáo cái sai, bảo vệ cái đúng. Tinh thần dân chủ này nghĩa là ai cũng phải được tôn trọng. Các nhà trường hãy giáo dục cho các em biết được quyền của mình. Có như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề xâm hại tình dục. Đừng vì ngại, vì sợ mà không dám đấu tranh.

Các em bị xâm hại đều biết mình là người bị hại nhưng lại không dám lên tiếng, làm thế nào để các em tự bảo vệ mình?

Các em hãy nhớ rằng chỉ kẻ xấu, kẻ làm điều sai trái mới phải sợ. Còn các em là những học trò được bảo vệ, không có lý do gì để các em phải sợ. Lên tiếng để bảo vệ mình và bạn bè.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Vụ việc gây xôn xao dư luận khi hàng loạt học sinh nam (đang học và đã ra trường) tố cáo ông Đinh Bằng My có hành vi dâm ô các em ngay tại phòng làm việc. Một số nam sinh kể nhiều lần bị hiệu trưởng gọi lên phòng nói chuyện. Người này yêu cầu các em thực hiện một số hành vi lạm dụng tình dục. Mỗi lần, hiệu trưởng sẽ cho kẹo và 20.000-30.000 đồng. Chiều 15/12, lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn cho biết cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My để điều tra hành vi Dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Tô Hội

BẢN DESKTOP