Bình luận

Trẻ chưa mặc quần đã phải học đạo đức

Theo ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trẻ em từ khi chập chững đến trường đã phải được dạy về đạo đức. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” là điều đứa trẻ nào đến trường cũng nằm lòng. Người cán bộ, lại càng phải tu rèn đạo đức. Khi làm cán bộ rồi mới đi học đạo đức thì “hỏng”.

Ông Nguyễn Ty cho rằng, ý tưởng lập ra viện dạy đạo đức cho cán bộ là không nên.

Đạo đức phải được dạy từ nhỏ

Ngày 18/10, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng đề nghị lập Viện Đạo đức học để giảng dạy cho cán bộ. Ông nói: “Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện này sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực về để giảng dạy”. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?

Tôi phải nói ngay rằng đây là một đề xuất rất khó hiểu. Dựa trên luận điểm nào mà đề xuất như thế? Trẻ con từ lúc sinh ra, chưa mặc quần đã phải được dạy đạo đức. Đâu chờ đến lúc mặc comlple, đi giày tây thì mới đào tạo về đạo đức. Hơn nữa, khi cành cây đã già, đã cứng cáp, thì càng uốn nó sẽ càng gãy. Khi đã là cán bộ rồi mới đi đào tạo đạo đức thì e là đã quá muộn.

Ý ông là khi người ta đã trở thành cán bộ, thì đồng nghĩa là đạo đức đã là thứ hành trang cần thiết?

Đúng thế, cán bộ mà không có đạo đức thì là cán bộ vất đi. Người bình thường nào cũng phải có đạo đức, huống hồ là cán bộ. Đừng đặt ra vấn đề buồn cười ấy làm gì. Ông đã mặc quần, đã mặc comple rồi, đừng bày đặt đi học đạo đức nữa.

Phải chăng người ta đặt ra vấn đề này vì đạo đức của cán bộ đang là nỗi nhức nhối?

Đúng, số cán bộ bị tha hóa, bị lỗ hổng về đạo đức cũng không ít. Nhưng nguyên nhân tạo nên thực trạng ấy là do quản lý yếu kém chứ không phải do đào tạo.

Kỷ luật không nghiêm, thực thi luật pháp không nghiêm nên cán bộ hư chứ không phải vì thiếu luật hay thiếu đạo đức. Có luật nhưng ta không thực thi tốt thôi.

Tôi cũng rất đồng tình với ông, vấn đề là quản lý cán bộ theo pháp luật chứ không theo chuẩn  mực đạo đức?

Không nhà trường nào bắt học sinh phải có đạo đức cả, dù trường học nào cũng dạy đạo đức. Việc tiếp thu thế nào là do người học. Còn với cán bộ, Nhà nước quản lý bằng các quy định của pháp luật, bằng quy chế.

Nhưng luật không nghiêm thì không quản lý được, cán bộ bị tha hóa. Xử lý người vi phạm xuê xoa, dễ cho qua. Người có chức có quyền tham nhũng, ức hiếp dân mà luật không nghiêm.

Nghĩa là phạm vào quy định nào thì xử theo quy định ấy, đạo đức không điều chỉnh được?

Đương nhiên thế. Ví dụ cán bộ phạm vào quy định cố ý làm trái mà không đưa ra xử lý ở tòa án, chỉ phê bình nội bộ, thì khi đó có thể hiểu là đã không thực thi luật nghiêm.

Biên chế đã phình to lắm rồi

Điều bất cập của đề xuất này, ngoài việc có cần đào tạo đạo đức hay không, là gì?

Bộ máy của chúng ta đã phình to lắm rồi, lập ra một cái Viện nữa để làm gì? Rồi lại lập đề án, lại tuyển dụng cán bộ, rồi lại kinh phí hoạt động… “Đẻ” những cái đó để làm gì? Hay là đề xuất như thế để có một nơi “trú chân”, có một dự án cho có việc để làm.

Cán bộ hiện nay đang thừa rất nhiều rồi. Cấp nào cũng thừa. Xã, huyện, tỉnh, cấp trung ương… đều thừa. Chúng ta đang chủ trương thực hiện thu gọn lại bộ máy. Làm thế này là đi ngược lại chủ trương.

Một viện ra đời sẽ làm kéo theo nhiều biên chế?

Thì thế, trong khi chúng ta đang nỗ lực giảm biên chế thì không bên bàn chuyện lập thêm viện nọ trường kia. Tổ chức phình ra thì phải thêm cán bộ, thêm ô tô, thêm phòng làm việc, thêm nhân viên…

Nhưng cái sự học nếu cần thì biên chế bao nhiêu cũng là phải làm?

Cán bộ lãnh đạo phải là người có tuổi rồi. Ở tuổi ấy mới đi học đạo đức, bọn trẻ nó cười cho. Đáng lẽ việc học ấy chỉ dành cho bọn trẻ con thò lò mũi xanh chứ. Còn ở tuổi ấy, người ta phải đi giảng dạy, truyền đạt về đạo đức mới đúng chứ.

Nhiều tài liệu dạy đạo đức lắm

Hiện nay việc đạo tạo cán bộ có đào tạo đạo đức không thưa ông?

Tất cả các chương trình học dành cho cán bộ đều có nói và có dạy về vấn đề này. Đạo đức cá nhân, đạo đức công vụ, đạo đức của người cán bộ… đều đã có sẵn trong các giáo trình. Vấn đề là không phải cứ học về đạo đức thì thành người có đạo đức.

Phải chăng việc đạo tạo ấy chưa hiệu quả?

Đạo đức không dễ “nhồi” vào đầu. Nó là phẩm chất, là nhân cách con người hình thành bởi thời gian, môi trường sống… Ta không thiếu gì sách vở tài liệu nói về đạo đức của người cán bộ.

Thế tại sao vẫn có cán bộ vi phạm đạo đức, vi phạm luật pháp. Như tôi nói, là vì kỷ luật không nghiêm túc, có những vùng cấm. Người phạm tội mà có chức có quyền thì không dám xử…

Mấu chốt vấn đề là ở đó?

Đúng thế, là ở pháp luật và thực thi pháp luật, chứ không phải là ở việc đạo đức ra sao, có yếu kém hay không. Tất nhiên đạo đức nó cũng tác động một phần đến hành vi vi phạm, nhưng nó không phải là cái gốc của vấn đề để đem ra giải quyết.

Còn đạo đức thì từ thời học vỡ lòng đã được dạy rồi, gặp người lớn tuổi phải chào, ăn mặc phải thế nào, đi đứng thế nào, 5 điều Bác Hồ dạy ra sao…

Theo ông thì làm thế nào để “gia cố” đạo đức cho những người cán bộ không may có đạo đức kém?

Cứ kỷ luật thật nghiêm, thực thi pháp luật thật nghiêm, thì không ai dám làm sai, không ai dám làm trái. Vi phạm là bị xử lý, mọi người cùng bình đẳng, thì chắc chắn dù là người có đạo đức hay không cũng phải chùn bước trước khi dấn thân vào sai phạm.

Còn khi đã buông lỏng quản lý, thực thi luật không nghiêm, yếu kém trong khâu xử lý sai phạm thì không có gì khắc phục được.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Sáng 18/10, Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương. PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng cho biết, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra nội dung căn bản, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hồ Chủ tịch thẳng thắn cho rằng, trong Đảng đã xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân… “Những tật bệnh đó khiến Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không được thi hành triệt để, Đảng xa rời dân chúng”, ông Phúc dẫn lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

.

BẢN DESKTOP