Dinh dưỡng học đường

Trẻ béo phì sẽ kéo theo nhiều bệnh tật

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 có 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi mắc bệnh thừa cân, béo phì. Tỷ lệ béo phì ở nhóm đối tượng này đã tăng gấp 4,5 lần chỉ trong vòng hơn 40 năm qua.

ThS.BS Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, các  nghiên cứu chỉ ra rằng, những người thừa cân, béo phì có tỷ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường, đặc biệt là các bệnh như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi mật, ung thư.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tỷ lệ tử vong ở người béo phì cũng cao hơn ở nhóm người bình thường, nhất là tử vong do các bệnh kể trên. Người ta cũng quan sát thấy sự thay đổi hormon ở những người béo phì, đặc biệt đối với người tích lũy mỡ trong ổ bụng (giảm nồng độ progesterol ở phụ nữ, giảm nồng độ testosterol ở nam, tăng sản xuất cortisol, giảm nồng độ hormon tăng trưởng…).

Tác hại và nguy cơ của béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên càng đáng lưu tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn hô hấp, gan nhiễm mỡ…

Theo các chuyên gia, thừa cân, béo phì bắt nguồn từ việc mất cân đối giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Khi năng lượng ăn vào nhiều hơn mức năng lượng tiêu thụ, cơ thể sẽ chuyển hóa và tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ trong các cơ quan của cơ thể. Nếu quá trình này được lặp đi lặp lại và duy trì trong thời gian dài sẽ dẫn đến thừa cân.

Muốn giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, cha mẹ cần chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, hạn chế thực phẩm có năng lượng cao, giàu chất béo, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao, hạn chế các hoạt động tĩnh tại, khuyến khích trẻ bỏ thói quen ăn vặt, ăn ngọt, ăn thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tới trước khi đi ngủ...

Một khẩu phần ăn cân đối, hợp lý đối với trẻ nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh chỉ ăn một loại thực phẩm nào đó. Nên cho trẻ uống sữa không đường, hạn chế các món rán, xào; nên làm các món luộc, hấp, kho; nên nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.

Cách phân bổ lượng thức ăn, ưu tiên bữa sáng về chất và lượng để tránh cho trẻ ăn vặt, nên giảm lượng về chiều và tối. Các bữa ăn nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt, giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ. Cha mẹ không nên dự trữ nước ngọt, bánh kẹo trong nhà vì dễ tạo thói quen cho trẻ thích đồ ngọt. Ngoài chế độ ăn cần giúp trẻ tăng cường hoạt động thể lực. So với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP