KHOẺ ĐẸP

Trẻ ăn uống lành mạnh, tránh dậy thì sớm

  • Tác giả : Trương Hiền
Hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng, bởi nó ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và gây tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống học đường của trẻ.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm, chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ. Vậy làm sao để xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ?

Dậy thì sớm hệ lụy ra sao?

Dậy thì là một quá trình sinh lý tự nhiên, trong đó cơ thể trẻ bắt đầu có những thay đổi để chuyển từ giai đoạn thiếu nhi sang trưởng thành. Dậy thì sớm được định nghĩa là hiện tượng trẻ bắt đầu phát triển các đặc điểm sinh dục phụ sớm hơn độ tuổi trung bình (trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai). Hậu quả của dậy thì sớm có thể kể đến như:

Giảm chiều cao khi trưởng thành: Trẻ dậy thì sớm có thể ngừng phát triển chiều cao sớm hơn, do các đầu xương đóng lại sớm.

Ảnh hưởng tâm lý: Trẻ dễ rơi vào tình trạng lo âu, thiếu tự tin, thậm chí bị trêu chọc hay xa lánh bởi bạn bè đồng trang lứa.

Rối loạn cảm xúc và hành vi: Dậy thì sớm khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý giới tính khi chưa đủ nhận thức, dẫn đến nguy cơ lệch lạc hành vi.

Vai trò của chế độ ăn uống trong việc kiểm soát dậy thì sớm

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố có thể thúc đẩy hoặc làm chậm quá trình dậy thì. Ngày nay, trẻ em được tiếp cận với nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, nước ngọt có gas, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng – đây đều là những yếu tố góp phần kích thích sự sản sinh nội tiết tố giới tính sớm hơn bình thường. Trong khi đó, một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ giúp điều hòa hormone, hỗ trợ phát triển đúng độ tuổi, tăng cường miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi những tác động tiêu cực từ môi trường sống hiện đại.

Những loại thực phẩm nên tránh để hạn chế nguy cơ dậy thì sớm

Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh: Gà rán, xúc xích, mì gói, snack, khoai tây chiên chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đường và phụ gia có thể gây rối loạn nội tiết tố.

Nước ngọt có gas và thức uống có đường: Những loại nước này không chỉ gây béo phì mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tuyến yên và vùng dưới đồi – các trung tâm điều khiển hormone trong cơ thể.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc: Một số loại thịt, sữa, rau củ bị ô nhiễm hóa chất hoặc chứa dư lượng hormone tăng trưởng, thuốc trừ sâu… có thể gây ảnh hưởng đến quá trình dậy thì.

Đồ ngọt và thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện: Đường kích thích sản sinh insulin, mà insulin lại có liên quan mật thiết đến hormone sinh dục – từ đó gián tiếp thúc đẩy dậy thì sớm.

Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet
Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet

Chế độ ăn uống lành mạnh, chìa khóa ngăn ngừa dậy thì sớm

Ưu tiên thực phẩm tự nhiên, nguyên chất: Tăng cường các loại rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm ít chế biến. Đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ quan trọng giúp cơ thể phát triển cân bằng.

Đảm bảo đủ protein từ nguồn sạch: Thịt, cá, trứng, đậu nành và sữa cần được chọn từ nguồn tin cậy, không chứa kháng sinh và hormone tăng trưởng. Nên ưu tiên thực phẩm hữu cơ hoặc được nuôi trồng theo quy trình an toàn.

Hạn chế chất béo xấu, tăng cường chất béo tốt: Tránh các loại mỡ động vật, bơ thực vật công nghiệp; thay vào đó, nên dùng dầu oliu, dầu hạt lanh, quả bơ, hạt chia… để cung cấp chất béo không bão hòa – tốt cho tim mạch và nội tiết.

Bổ sung canxi và vitamin D: Canxi giúp phát triển hệ xương, còn vitamin D giúp hấp thu canxi hiệu quả. Trẻ nên ăn sữa, phô mai, cá nhỏ ăn được cả xương và tắm nắng 15-20 phút mỗi ngày vào sáng sớm.

Thiết lập giờ ăn uống, ngủ nghỉ điều độ: Ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc (8–10 tiếng mỗi đêm) và vận động hàng ngày sẽ giúp điều hòa hormone, hỗ trợ phát triển đúng lứa tuổi.

Vai trò của cha mẹ trong định hình thói quen ăn uống

Trẻ nhỏ thường hình thành thói quen ăn uống từ gia đình. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, hướng dẫn và làm gương trong việc lựa chọn thực phẩm, thời gian ăn uống, cách chế biến món ăn. Không nên ép trẻ ăn nhiều nhưng cũng không để trẻ tự do ăn uống vô tội vạ.

Việc cho trẻ tham gia vào việc chọn và chế biến thực phẩm (như cùng đi chợ, nấu ăn…) cũng là cách hay để trẻ hiểu và yêu thực phẩm sạch, lành mạnh.

Trương Hiền

BẢN DESKTOP