Dữ liệu y khoa

Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư

  • Tác giả : BS Trần Kiên Quyết
(khoahocdoisong.vn) - Nếu bị ợ nóng hoặc trào ngược axit thường xuyên có thể chúng ta đã bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản( GERD). Không nên tự chẩn đoán với GERD hoặc tự điều trị.

Bệnh lý thường gặp ở thực quản

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chúng tôi tiếp nhận ca lâm sàng bệnh nhân nữ 47 tuổi, tiền sử bệnh viêm dạ dày trào ngược thực quản 5 năm, điều trị nhiều đợt không khỏi, nhập viện trong tình trạng nóng rát sau xương ức, tức ngực, ợ hơi, ợ chua nhiều, ăn uống kém, căng thẳng mệt mỏi. Tiến hành nội soi dạ dày thực quản cho thấy, bệnh nhân bị viêm dạ dày trào ngược thực quản. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi tạo van chống trào ngược dạ dày thực quản. Sau mổ bệnh nhân ổn định, tập uống nước sau mổ 24 giờ, ăn lỏng sau 48 giờ, ra viện sau 5 ngày điều trị. Khám lại sau 4 tuần các triệu chứng cải thiện rõ rệt, bệnh nhân ăn uống bình thường, không còn đau rát sau xương ức, không còn ợ hơi, ợ chua.

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hiện tượng trào ngược của dịch vị dạ dày vào thực quản gây nên những biểu hiện trên lâm sàng. Đây là một bệnh lý thường gặp nhất ở thực quản.

GERD là một trong những bệnh lý quan trọng của hệ tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây ung thư thực quản và là một bệnh đang tăng nhanh trong cộng đồng. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ bị GERD đang tăng nhanh tùy thuộc vào từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Á hiện nay có tỷ lệ mắc GERD tăng lên đáng kể do thay đổi lối sống, chế độ ăn cũng như là khả năng phát hiện.

Theo một số các nghiên cứu tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 7 triệu người bị GERD và có xu hướng gia tăng. Các triệu chứng nghĩ tới GERD phổ biến như ợ nóng, trớ, đau bụng thượng vị, nuốt khó, nuốt đau, buồn nôn, nôn, tiết nước bọt, hhàn tiếng, đau ngực không do nguyên nhân tim mạch…

Các triệu chứng lâm sàng của GERD rất phong phú và đa dạng như:

+ Ho kéo dài, nhiều đờm hay gặp nhất 30 - 52%.

+ Nóng rát sau ức 35 - 50%.

+ Ho cơn khi nằm 20 - 38%

+ Ợ chua nhiều lần 18 - 32%.

+ Nuốt vướng, nghẹn, đau vùng ngực từng lúc 10 - 20%.

Nội soi thực quản, sinh thiết và các xét nghiệm

Đây là phương pháp được áp dụng khá rộng rãi. Nội soi cho thấy được trực tiếp niêm mạc thực quản, xác định vị trí và hình thái của tổn thương. Ở bệnh nhân GERD thì thực quản bị sung huyết, bị loét trợt, bị loét tiêu thực, đôi khi thấy hẹp lòng thực quản hoặc do niêm mạc dạ dày xâm nhập vào phần dưới thực quản.

Tại Việt Nam, đã có những nghiên cứu thực hiện trên 68% trường hợp GERD, 30% có tổn thương được xác định qua sinh thiết. Tổn thương thực quản gặp ở 2 dạng chính là viêm với các nhú niêm mạc nhô cao và lớp đáy dày lên. Tổn thương được các nhà tiêu hóa quan tâm là Barrett thực quản- biểu mô loét tầng thay thế bằng dị sản ruột. Tuy Barrett thực quản có thể gây ung thư thực quản (cao > 30 lần) nhưng nhiều trường hợp Barrett thực quản lại không gây GERD. Theo các nghiên cứu, trên 40% bệnh nhân GERD không có hình ảnh viêm thực quản trên nội soi. Vì vậy, có thể coi nội soi chỉ có giá trị 50% trong chẩn đoán GERD. Nội soi thực quản còn giúp chúng ta theo dõi kết quả điều trị GERD.

Đo pH thực quản là thăm dò chức năng chính có tính quyết định được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán GERD nhưng khá tốn kém về trang thiết bị máy móc và mất nhiều thời gian.

Chụp lấp lánh đồ (Scintigraphy): Độ nhạy cảm của chụp lấp lánh kém hơn đo pH vì không đo được hồi lưu kiềm và hồi lưu ban đêm nhưng cũng đủ để phát hiện GERD. Lợi điểm của chụp lấp lánh là có thể dùng được ở trẻ em, thậm chí cả ở nhũ nhi. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm thanh quản mạn (ho kéo dài) bị suyễn ngờ do GERD, chụp lấp lánh đồ rất hữu ích để xác định nguyên nhân.

BS Trần Kiên Quyết (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

BS Trần Kiên Quyết

BẢN DESKTOP