Dữ liệu y khoa

Trào ngược dạ dày khi nào phải phẫu thuật

  • Tác giả : BS Trần Kiên Quyết
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hay còn gọi là viêm thực quản trào ngược là bệnh xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản (ống tiêu hóa nối giữa miệng với dạ dày), gây ra triệu chứng ợ nóng hoặc các triệu chứng khác.

Những cơn trào ngược thường xảy ra sau bữa ăn, trong thời gian ngắn, không kèm theo các triệu chứng và hiếm xảy ra khi ngủ. Tuy nhiên, những cơn trào ngược bình thường này sẽ trở thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên (khoảng từ 2 - 3 lần mỗi tuần) hoặc làm thực quản bị tổn thương.

Để điều trị bệnh, các bác sĩ hướng đến giải quyết hết trào ngược, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, làm lành tổn thương, phòng ngừa, chống tái phát viêm thực quản và các biến chứng của bệnh trào ngược.

Điều trị nội khoa

Ngày nay người ta thống nhất điều trị GERD với các thuốc ức chế bơm proton (PPI), làm ức chế sự hình thành tiết axit tại các tế bào của dạ dày. Omeprazole là dược phẩm được dùng chủ yếu trong điều trị GERD, phổ cập nhất trên thế giới và cả nước ta từ lâu nay. Omeprazole có tác dụng tốt với GERD có triệu chứng, tổn thương ở họng hay thanh quản, các trường hợp có ho cơn kéo dài... Trong các trường hợp có các triệu chứng của GERD mà không có các tổn thương cụ thể ở thực quản, dạ dày, Omeprazole chỉ cần dùng tối thiểu 20mg/ngày trong 2 - 4 tuần. Trong các trường hợp GERD có tổn thương viêm, loét dạ dày liều hằng ngày nên dùng 40mg, Omeprazole chia 2 lần dùng hoặc 1 lần dùng vào tối sau khi ăn từ 1 - 2 giờ. Thời gian điều trị cần kéo dài 4 - 8 tuần. Theo kinh nghiệm, thường sau 5 - 10 ngày các triệu chứng bệnh giảm rõ rệt hoặc gần hết hẳn nhưng nếu ngưng thuốc, vài ngày sau các triệu chứng lại trở lại, do đó cần giải thích rõ cho bệnh nhân về thời gian điều trị kéo dài, liên tục.

Có thể thay Omeprazole bằng Nexium với ưu điểm chỉ cần dùng một viên 20mg/ngày trong 1 - 2 tuần  nhưng vì Nexium đắt hơn Omeprazole nhiều lần nên tổng kinh phí điều trị cao hơn rõ rệt.

Cũng cần nêu thêm các PPI không có tác dụng gì với Barrett thực quản, nếu có chỉ là làm giảm sự phát triển thành ung thư thực quản. Các PPI không nên dùng cho người có thai trong 3 tháng đầu, nhưng với các trường hợp có thai trên 5 tháng - PPI không gây hại. Trong các trường hợp GERD có loét dạ dày, việc phối hợp với kháng sinh là cần thiết, nhất là trong các trường hợp loét có HP+, dùng Clarithromycin nhưng không cần duy trì suốt thời gian sử dụng PPI. Theo một số kinh nghiệm điều trị thì chỉ dùng trong 7 ngày đầu khi các triệu chứng ho hết hay giảm đi là đủ.

Kháng viêm không steroid được khuyến cáo dùng trong các trường hợp có viêm dạ dày thực quản, đặc biệt khi có viêm, nề thanh quản, viêm họng. Lưu ý không được dùng corticoid trong GERD, dù có kèm theo các tổn thương, viêm ở tai mũi họng (viêm xoang, amiđan…) vì sẽ làm tăng GERD rõ rệt.

Trong việc xử lý trào ngược dịch vị lên mũi người ta đề xuất một phác đồ ít tốn kém như sau: Không cho ăn uống trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ, nằm cho gối đầu cao 10 - 15cm, kiêng ăn chocolate, bánh kẹo, cà phê và thức uống axit như nước cam, chanh, thức uống có gas (chú ý rằng hầu hết nước ngọt giải khát Coca, Pepsi… đều chứa ít nhiều caffeine).

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được khuyến cáo nếu người bệnh có biến chứng GERD nghiêm trọng. Ví dụ, axit dạ dày có thể gây viêm thực quản. Điều này có thể dẫn đến chảy máu hoặc loét, sẹo do tổn thương mô có thể làm hẹp thực quản và khó nuốt.

Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân có bệnh trào ngược dạ dày vừa phải đến nặng, có thể được ghi lại một cách khách quan (thường thông qua nghiên cứu pH 48 giờ dương tính). Ngoài ra, bệnh nhân thường có các triệu chứng ợ nóng và trào ngược dai dẳng mặc dù trải qua liệu pháp ức chế bơm proton.

Ngoài ra, người bệnh bị viêm thực quản trào ngược được chẩn đoán bằng triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, có hoặc không có thoát vị cơ hoành kèm theo, đã được điều trị nội khoa đúng phương pháp trong ít nhất 6 tháng mà không đỡ mới cần phẫu thuật.

BS Trần Kiên Quyết (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

BS Trần Kiên Quyết

BẢN DESKTOP