Y học và đời sống

Tránh thừa fluor gây xương cong

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Thực tế không có thiếu fluor mà chỉ có thừa dẫn tới: men răng bị đốm đen, thủng; xương dài dễ cong gãy; Cơ thể mau lão hóa, tăng huyết áp, môn mửa, đau bụng.

Không có thiếu chỉ có thừa 

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, fluor là vi chất dinh dưỡng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà  và men răng. Fluor còn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương, kích thích tổng hợp collagen giai đoạn đầu tiên khôi phục vị trí gãy xương. 

Ngoài ra, fluor có ảnh hưởng đến sự điều hòa chuyển hóa canxi - photpho. Trên thực tế không có bệnh thiếu fluor mà chỉ có bệnh do thừa fluor. Thừa fluor dẫn tới: men răng bị lốm đốm đen, có thể phát triển thành các lỗ thủng nhỏ; Các xương dài dễ cong, dễ gãy. Hơn nữa, fluor là chất oxy hóa mạnh, nếu dư làm cơ thể mau lão hóa, tăng huyết áp, nôn mửa, đau bụng.

ThS.BS Nguyễn Hữu Tân, bộ môn Răng Hàm Mặt, ĐH Y Hà Nội cảnh báo, hiện nay đang phổ biến tình trạng thừa fluor gây biến đổi màu sắc răng, bệnh có tên là Flourosis. Nguyên nhân hầu hết nguồn nước ở các thành phố lớn hiện nay đều được flour hóa cộng thêm nguồn flour có trong tự nhiên gây thừa.

Theo một khảo sát chung những năm gần đây số trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố có tình trạng tổn thương răng do dư thừa flour nhiều hơn trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô. Hầu hết phụ huynh ở thành phố ý thức được việc chăm sóc sức khỏe răng miệng và bổ sung flour cho trẻ, tuy nhiên việc cả cộng đồng cùng ý thức về tác dụng của flour mà không có sự tổ chức tổng thể và cân bằng về lượng flour lại gây ra tác dụng ngược.

Chú ý hàm lượng flour đảm bảo ăn hợp lý

PGS.TS Trần Đáng cho biết, flour  có trong nước tự nhiên, hàm lượng tùy vùng. Lượng fluor trong đất và nước cao như ở những vùng có núi lửa đang hoạt động hoặc vùng có mỏ apatit có thể gây nhiễm độc. Ngoài ra, ở các vùng công nghiệp sử dụng fluor vào kỹ nghệ sản xuất (như sản xuất nhôm, magiê, ximăng, phân bón…), các chất thải bỏ của nhà máy super - photpho cũng làm tăng lượng fluor trong không khí, đất và rau quả tại đó. Nhiễm độc fluor mạn ngoài việc gây ra các biến đổi răng còn gây ra những rối loạn chuyển hóa photphat canxi làm cho xương biến dạng, dễ gẫy...

Flour còn có trong thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm nguồn gốc thực vật (rau xanh, cà chua, củ cải đỏ, cải xoăn, súp lơ)...Hàm lượng flour  trong 100g thực phẩm ăn được như sau: khoai lang 862mcg, khoai tây 50mcg, bột mỳ 53mcg, đậu tương 1470mcg; cá thu 150mcg; cá trích 160mcg; nấm mỡ 31mcg; cà chua 50mcg, cà rốt, hành tây 12mcg, chuối tiêu 23 mcg, bưởi 25 mcg, dưa chuột 20mcg; súp lơ 12mcg...

Bổ sung flour cần tránh thiếu và dư thừa. Nếu dư thừa có thể gây ngộ độc cấp tính, có thể tử vong nếu hít phải 2g flour  hoặc ngộ độc mạn tính nếu hấp thu thường xuyên với liều 5 – 10mg/ngày. Hơn nữa, sự hấp thu Flour trong ruột chịu sự tương tác của các nguyên tố: Ca, Mg, P, Fe, Zn, và Al. Lượng fluor trong thực phẩm thấp và kém hơn fluor trong nước nhưng chế độ ăn vẫn cần cân đối về canxi - photpho cũng như phối hợp thêm vitamin D, A. Bởi ngoài fluor, nếu thiếu vitamin A - D và suy dinh dưỡng protein năng lượng có liên quan đến sự giảm sản men răng, sự teo tuyến nước bọt giảm khả năng tiêu hóa tinh bột đường cũng khiến cho răng dễ bị sâu hơn. 

Nhật Hà

Thúy Nga

BẢN DESKTOP