Y học và đời sống

Tránh mua chất làm đầy trôi nổi

Nhìn đồng nghiệp bơm chất làm đầy vào mũi, cằm để có mũi cao, cằm đầy đặn, chị Trần Thị T (Hà Nội) rất thích. Chị được những người đã sử dụng chất làm đầy  tư vấn, muốn không có biến chứng nên đặt mua chất làm đầy từ nước ngoài, thay cho dùng chất làm đầy từ các spa.

Gọi điện cho mấy chỗ quen biết, chị T đặt mua, định bụng tiêm vào cằm trước, sau đó được mới tiêm môi và mũi. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin về trường hợp người bệnh tiêm chất làm đầy vào mũi tại Hà Nội đã bị hoại tử, chị T đành rút lại tiền, không dám làm nữa vì sợ tai biến.

BS. Thy Ra, chuyên gia về da cho biết, chất làm đầy (Filler) bán trôi nổi, ai mua cũng được thường không bảo đảm. Thông thường, các hãng tên tuổi ở nước ngoài chỉ cung cấp Filler cho những bác sĩ đã được hãng đào tạo để tránh tác dụng phụ khi tiêm không đúng kỹ thuật, liều lượng không đảm bảo. Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc mỡ tự thân.

Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm).

Để tiêm được chất làm đầy, người bác sĩ phải có chuyên môn, được đào tạo kỹ càng bởi một khi tiêm sai, sử dụng chất làm đầy không đảm bảo, chất này sẽ xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào, làm hoại tử các phần cơ thể đã tiêm nên việc điều trị khó khăn, nhiều khi không khắc phục được.

PT (ghi)

BẢN DESKTOP