Khoa học & Công nghệ

Tránh hiểu sai về gạo đặc sản

Chúng ta đang hiểu chưa đúng về gạo đặc sản, nghĩ rằng gạo đặc sản là ngon nhất. Đây là lời khuyên của các chuyên gia.

Không ít người hiểu sai về gạo đặc sản, họ nghĩ rằng gạo đặc sản là ngon nhất.

Ngon theo gu

GS. VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, thị trường hiện nay khá phong phú các loại gạo đặc sản như tám Hải Hậu, Nàng Hương… Nhiều người cho rằng, chỉ có gạo đặc sản mới là số một, mới cho cơm dẻo, mềm, mùi thơm tự nhiêu và giàu protein nên rất chuộng dù giá thành đắt.

Tuy nhiên, thực tế, gạo đặc sản không có hàm lượng protein cao hơn gạo thông thường. Điểm quý của gạo đặc sản là cơm dẻo, mềm và đặc biệt là có mùi thơm. Song hiện nay có rất nhiều giống lúa cho chất lượng tốt được thị trường rất chuộng như RVT, Lộc Trời… nên sự chênh lệch về chất lượng là không đáng kể, vì thế không nhất thiết cứ phải đặc sản mới là số 1.

Hơn thế, riêng với gạo, ngon hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tập quán, “gu” thưởng thức, thói quen dinh dưỡng của từng người, từng khu vực. Ví dụ, người Việt mình thích gạo hạt dài có mùi thơm, cơm để nguội ăn vẫn ngon; nhưng cũng ở Châu Á, người dân Hàn Quốc, Nhật Bản lại thích ăn gạo hạt tròn, cơm dẻo, mềm, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Tương tự, nhiều người thích gạo đặc sản vì chúng có mùi thơm nồng, tuy nhiên, nhiều người lại chỉ thích gạo có mùi thơm nhẹ, vì thế ăn gạo đặc sản lại thấy không thích. Đây chính là lý do vì sao nhiều người bỏ tiền mua gạo đặc sản nhưng lại thấy không ngon, hoặc không ngon tới mức phải là lựa chọn duy nhất.

Vì thế, trong chọn gạo, hãy chọn theo “gu”, thói quen ăn uống của chính mình và gia đình mình, thay vì để ý thương hiệu, đắt hay rẻ, đặc sản hay chỉ là giống thông thường…

GS.VS Trần Đình Long: Hiện nay, ngoài thị trường đã có gạo đóng trong bao bì 2kg, 5kg, 10 kg…; trên bao bì có đầy đủ các thông tin từ tên gạo, xuất xứ, hạn sử dụng… Người dân nên mua loại gạo này vì thông tin rõ ràng.

Hãy chú ý gạo an toàn

GS.VS Trần Đình Long khuyên, thay vì chỉ chăm chăm chọn mua gạo đặc sản, coi đặc sản là số một, người dân hãy chú ý chọn loại gạo phù hợp với gu thưởng thức của mình, và quan trọng hơn khi mua gạo phải chú ý lựa gạo an toàn, gạo rõ nguồn gốc.

Đối với gạo, vấn đề thuốc bảo vệ thực vật không quá đáng lo như với rau củ quả, bởi thuốc bảo vệ thực vật thường được phun sớm trước khi lúa làm đòng nên không quá đáng lo. Tuy nhiên, với gạo lo nhất là mua phải gạo để lâu bị nấm mốc, mọt và côn trùng tấn công.

Điều đáng nói, việc phân biệt gạo ngon, gạo kém chất lượng bằng mắt thường là rất khó. Vì thế, bạn phải chú ý để không mua phải gạo mốc, gạo bị mọt. Để tránh mua phải gạo kém chất lượng, khi mua, người dân nên thực hiện quy tắc nhìn, sờ, ngửi.

Hạt gạo không bị vỡ, có mùi thơm đặc trưng của gạo, nhấm thử thấy hạt gạo còn giòn mới là gạo mới, gạo đạt tiêu chuẩn. Nếu là gạo cũ, xay xát đã lâu, bị ẩm gạo thường mất mùi thơm, nhấm thử thấy nổ “bục” trong miệng. Ngoài ra, khi mua nên lấy tay đảo gạo và cho lên tay quan sát để xem gạo có bị mọt, mốc không.

Với những người ưu gạo đặc sản cần phải chú ý chất lượng gạo. Lý do là vì gạo đặc sản thường là gạo địa phương chỉ trồng ở một diện nhỏ hẹp, giống đặc sản thường cho năng suất thấp, hay bị sâu hại và nhiều giống còn chỉ trồng được một vụ, vì thế sản lượng ít.

Song thực tế, nhiều giống gạo đặc sản được bán khá tràn lan ngoài thị trường. Ví dụ loại gạo nàng thơm chợ đào (giống gạo đặc sản của Long An) có sản lượng rất thấp nhưng, người dân phía Nam muốn là có thể mua được giống gạo này.

Vì thế khi mua gạo đặc sản phải tìm hiểu rõ đặc trưng (về hình dạng, màu sắc, mùi thơm…) của từng loại gạo đó. Ngoài ra phải biết chắc được các thông tin cụ thể như gạo sản xuất ở thôn nào, xã nào, vùng nào, sản xuất ở vụ nào…. Chỉ khi biết được hết những thông tin này, mới nên mua.

Đức Anh

BẢN DESKTOP