Khám phá

Tránh cháy nhà vì hệ thống điện

Chỉ vì một hành vi sơ sẩy như cắm ấm nước điện mà không để ý, có thể làm cháy cả ngôi nhà, thiệt hại hàng tỷ đồng… mà nhiều người không để ý. Theo các chuyên gia, có một số nguyên tắc khi sử dụng điện nhất định phải nắm được để đảm bảo an toàn.

Mất cả tỷ đồng vì ấm nước điện

Một hộ dân sử dụng ấm điện để đun nước, bất ngờ chiếc ấm chập điện và bốc cháy; chỉ trong chốc lát ngọn lửa đã bao trùm tầng 3 của ngôi nhà, thiêu rụi nhiều đồ vật. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do người trong nhà đã đun nước bằng ấm điện tại tầng 3 của ngôi nhà trên.

Trong quá trình đun, dây cắm của ấm điện bị chập và bốc cháy, sau đó bén sang các vật dụng trong nhà. Cả tầng 3 bốc cháy và khói nghi ngút. Hậu quả, nhiều vật dụng trong nhà như tivi, máy giặt, lò vi sóng và một số vật dụng khác bị thiêu rụi.

Rất may, vụ cháy được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời nên đã không lan sang những nhà liền kề, không gây thiệt hại về người. Vụ hỏa hoạn này xảy ra ở Hà Nội từ năm 2015 nhưng đến nay, những vụ hỏa hoạn do bất cẩn như vậy không hiếm.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị Điện – Điện tử, trường Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi phân tích các dữ liệu cháy khẳng định nguyên nhân tổng thể gây cháy là do gia đình không trang bị hệ thống aptomat, nên khi xảy ra chập điện, hệ thống không tự động ngắt.

Đối với ấm nước điện hoặc các thiết bị điện tử trôi nổi, rẻ tiền trên thị trường, để ý kỹ sẽ thấy dây dẫn của chúng thường nhỏ hơn so với dòng điện chạy qua. Do quá tải nên nó sẽ làm dây nóng lên, gây cháy.

Trường hợp đun nước mà để ấm nước bị cạn, sợi đốt làm nóng bên trong bình thường chỉ đạt đến 1000C, nhưng khi bị cạn nước, nó có thể lên đến 600-7000C dẫn đến cháy ra vỏ, cháy dây dẫn đến cháy cả hệ thống.

Vứt bỏ nếu sờ dây điện thấy ấm

Để đề phòng chập, cháy trong nhà, TS Trần Văn Thịnh tư vấn, tốt nhất nên kiểm soát thường xuyên hệ thống ổ cắm, dây dẫn. Nếu phát hiện thấy bất cứ dây điện nào có dấu hiệu ấm khi căm điện thì phải vứt bỏ ngay.

“Chỉ khoảng chục ngàn đồng một đoạn dây, nhưng vì tiếc tiền, nhiều người luôn nghĩ nó chưa hỏng nên chưa cần thay, vì thế mà những vụ cháy rất đáng tiếc xảy ra. Khi dây điện đã ấm lên, nghĩa là chúng sẽ cháy nếu tiếp tục sử dụng. Lửa từ dây điện sẽ lan đến các vị trí khác trong nhà. Với nhiều người khi đó, hối hận thì đã quá muộn”, TS Trần Văn Thịnh khuyên.

Một điều cần phải chú ý rất quan trọng là hệ thống ổ cắm điện, dây dẫn điện không được đặt gần nơi treo, móc, phơi, giữ quần áo. Bởi khi ổ cắm hoặc dây dẫn bị chập, cháy là gần như sẽ dẫn đến cháy cả nhà.

Rồi nhiều gia đình sử dụng sàn gỗ, sàn trải nhựa, xốp, khi đó đám cháy lây lan rất nhanh mà vô cùng nguy hiểm đến tính mạng người ở trong nhà. Đó là nguy cơ rất rõ ở trong các gia đình hiện nay mà ít người để ý, theo khuyến cáo của TS Nguyễn Văn Thịnh.

Những thiết bị điện sử dụng hàng ngày, không nên tiếc tiền mà ham đồ rẻ vì trong thiết kế của những đồ điện này, yếu tố an toàn không được tính toán cẩn thận.

Những đồ dùng như chăn điện, đệm điện… lại càng phải cẩn trọng. Với ấm đun nước, phải để nơi khô ráo, cách ly với các vật liệu dễ cháy khác, tốt nhất là nên trang bị chuông báo sôi để không bị quên dẫn đến ấm cạn nước, gây cháy.

Theo TS Trần Văn Thịnh, trong các gia đình, nên trang bị các bình chữa cháy khẩn cấp để đề phòng những sự cố có thể xảy ra. Gia đình nào nhiều thiết bị điện thuộc loại có nhiều linh kiện, bên trong có màng điện giải, tính cách điện kém, rò điện nhiều như đầu máy, ti vi… cộng với ẩm mốc là dễ gây sự cố nhất. Để khắc phục hiện tượng này, chúng ta nên thường xuyên xông điện cho các tụ được nóng lên, đồng thời xua đi ẩm mốc do máy có hơi nóng. Đặc biệt, trong mùa ẩm mốc, cần cho máy chạy thường xuyên hơn.

Không dùng nước để dập cháy

Theo TS Trần Văn Thịnh, để có được hệ thống điện an toàn, nhất định phải trang bị hệ thống aptomat. Sử dụng aptomat sẽ khiến nguồn điện ổn định và an toàn, ngăn chặn việc chập, cháy. Khi sử dụng đồ điện phải chú ý quan sát. Khi xảy ra sự cố, việc đàu tiên là phải ngắt điện toàn hệ thống.

Sau đó là tách các thành phần cháy ra khỏi mạng điện. Tiếp đó, sử dụng bình bọt hoặc chăn thấm nước để dập lửa. Với cháy điện, tuyệt đối không được sử dụng nước để dập lửa.

Theo các chuyên gia, tất cả các ổ cắm và công tắc điện trong nhà phải được che chắn bằng tấm che, và thay thế ngay những thiết bị bị hỏng. Đảm bảo mọi thiết bị điện trong tình trạng hoạt động tốt, cách điện tốt và sử dụng chúng một cách an toàn.

Khi dây điện bên trong thiết bị bị hỏng và chạm vào vỏ máy, thì những thiết bị này cũng nguy hiểm như dây điện không có vỏ bọc bên ngoài vậy. Thường xuyên kiểm tra mọi phích cắm, ổ cấm và dây điện trong nhà. Sửa chữa ngay những chỗ nối bị hở. Nếu cảm thấy phích cắm điện nóng một cách bất thường, phải tắt máy và rút phích ra khỏi ổ cắm. Kiểm tra dây điện, ổ cắm điện và thiết bị sử dụng điện.

Khi trong nhà có mùi cháy khét của dây điện, lập tức kiểm tra và tìm phích cắm đang quá tải và cháy hoặc thiết bị điện cháy do quá nóng để rút phích cắm và tất thiết bị điện đó.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP