Dữ liệu y khoa

Tránh biến chứng tiểu đường thai kỳ khi mang thai

  • Tác giả : Linh Thu (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)
(khoahocdoisong.vn) - Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ ngày càng gia tăng. Đái tháo đường thai kỳ để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong không chỉ trong giai đoạn thai kỳ mà cả đời sống sau này. Vì vậy, biết cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ và hạn chế các biến chứng của nó rất có ý nghĩa cho cả mẹ và con.

Gia tăng thai phụ mắc tiểu đường

Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) của các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra lượng đường cao trong máu, điều này không tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Để trả lời cho câu hỏi “Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?", chúng tôi đã tìm gặp ThS.BS Nguyễn Hương Trà, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và được cho biết: Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) ngày càng, có xu hướng gia tăng và cho đến nay cơ chế bệnh sinh của ĐTĐTK vẫn chưa thực sự rõ ràng. Có 9 cơ chế sinh bệnh ĐTĐTK được đưa ra: Hiện tượng kháng Insulin tế bào; Yếu tố béo phì và ĐTĐTK, rối loạn cơ quan thụ cảm của Insulin; Rối loạn vận chuyển glucose và hoạt động của Insulin, rối loạn chức năng đảo tụy, cơ chế tự miễn, cơ chế di truyền; Yếu tố thai nhi; Yếu tố viêm nhiễm, trong đó hiện tượng kháng Insulin tế bào được coi là cơ chế hay gặp nhất của ĐTDTK.

Theo đó, ĐTĐTK xuất hiện là do Insulin hoạt động kém hiệu quả, sức đề kháng Insulinn cao. Ở những người mắc ĐTĐTK lượng insulin trong máu có thể cao nhưng các tế bào của cơ thể giảm hoặc không tác ứng với tác động của Insulin. Sự thay đổi này phần lớn là do có sự xuất hiện và tăng cao của các hormone thai nghén. Giai đoạn đầu của thai kỳ tình trạng này thường không rõ ràng, nhưng nếu có sự giảm sút trong đáp ứng của Insulin vói sự thay đổi nồng độ Glucose máu thì rất dễ dẫn đến ĐTĐTK ở nửa sau của thời kỳ mang thai vì điều này thể hiện sự giảm sút chức năng của tế bào của tụy – cơ quan sản xuất Insulin.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Gây hậu quả nặng nề cho cả mẹ và bé

Theo ThS.BS Nguyễn Hương Trà, ĐTĐTK để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong. Đối với mẹ, ĐTĐTK làm tăng nguy cơ các biến chứng cho mẹ như rối loạn chuyển hóa, nhiễm khuẩn, tổn thương thận, mắt, mach vành. Các biến chứng sản khoa như rối loạn tăng huyết áp khi có thai, tiền sản giật, đẻ khó, sang chấn trong đẻ, chảy máu sau đẻ, tăng tỷ lệ mổ lấy thai do thai to, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, nó còn để lại nguy cơ lâu dài: Nguy cơ trở thành đái tháo đường type 2 sau này (30 - 50% bị ĐTĐ type 2 trong vòng 5 - 10 năm). Béo phì và tăng cân quá mức; Tăng nguy cơ ĐTĐTK cho những lần có thai sau (tỷ lệ 30 - 69% ở những lần có thai kế tiếp)

Đối với thai nhi, ĐTĐTK ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cuả thai nhi. Có hai giai đoạn thai kỳ chịu ảnh hưởng của tình trạng đái tháo đường. Giai đoạn 3 tháng đầu: Tác động lên quá trinh phát triển của phôi, thai gây nên sảy thai tự nhiên, thai lưu, và dị tât bẩm sinh (tỷ lệ 8 - 13%, cao gấp 2 - 4 lần so với nhóm không bị ĐTĐ). Các di tật thường gặp là tổn thương hệ thần kinh, tim, các mạch máu lớn, hệ xương, thận, tiết niệu; Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ: Tăng tỷ lệ tử vong chu sinh (chiếm 20 - 30%), đặc biệt sau đẻ do hạ glucose máu, hạ canci máu. Thai chết lưu trong vòng 3 - 6 tuần cuối của thai kỳ. Nguyên nhân do sự tăng glucose máu mạn tính của mẹ dẫn đến tăng sử dụng glucose của thai nhi, gây tình trạng thiếu oxy của thai nhi, tăng tình trạng toan máu của thai là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp gây thai lưu.

ĐTĐTK làm: Tăng tỷ lệ suy hô hấp, bệnh màng trong, xẹp phổi do ngăn cản quá trình hoàn thiện của phổi thai nhi; Tăng trưởng quá mức và thai to; Đa ối cấp, mạn tính dẫn đến nguy cơ đẻ non; Thai chậm phát triển trong tử cung; Thiểu ối; Sang chấn thai do thai to, đẻ khó.

Thai phụ nên vận động.

Thai phụ nên vận động. 

Những ai thường mắc bệnh tiểu đường thai kỳ?

Tiểu đường thai kỳ là một trong những biến chứng phổ biến nhất khi mang thai, tác động đến 1/10 mẹ bầu và thường gặp nhiều hơn ở những người béo phì. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Có rất nhiều các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, chẳng hạn như: Tuổi trên 25; Tiền sử gia đình có người đái tháo đường; Béo phì ((BMI >30 thì nguy cơ ĐTĐTK tăng gấp 3 lần so với người BMI < 20); Người Đông Nam Á tỷ lệ đái tháo đường cao gấp 5 lần; Tiền sử bất thường về dung nạp glucose hoặc suy giảm dung nạp Gluco lúc đói; Tiền sử ĐTĐTK; Tiền sử đẻ con to > 4.000g (Người Việt Nam > 3.600g); Tiền sử sản khoa bất thường như sảy thai liên tiếp, thai lưu 3 tháng cuối, con dị tật, đa ối…; Tiền sử rối loạn huyết áp ở lần mang thai trước, tăng huyết áp mạn tính hay bệnh thận

Những thói quen sinh hoạt nào giúp thai phụ hạn chế diễn tiến của bệnh tiểu đường thai kỳ?

ThS.BS Nguyễn Hương Trà có lời khuyên dành cho các thai phụ như sau:

* Ăn uống lành mạnh: Chọn những thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo, calo. Ngoài ra, thai phụ cần tập trung ăn các loại hoa quả, rau xanh và ngũ cốc. Chú ý đến sự đa dạng của thức ăn để giúp thai phụ đạt được mục tiêu của mình nhưng không ảnh hưởng đến hương vị và dinh dưỡng bữa ăn. Thai phụ cũng cần chú ý đến quy mô bữa ăn;

* Luôn luôn vận động: Đi bộ hằng ngày, đạp xe, bơi lội 30 phút mỗi ngày. Nếu không thể luyện tập trong 30 phút, thai phụ có thể lựa chọn các khoảng thời gian ngắn hơn;               

* Giảm cân trước khi mang thai: Giảm cân trước khi mang thai giúp cho quá trình thai kỳ khỏe mạnh. Thai phụ cần tự động viên bản thân bằng những lợi ích lâu dài khi giảm cân, chẳng hạn như có trái tim khỏe mạnh, nhiều năng lượng hơn và tự tin vào bản thân.

Linh Thu (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

BẢN DESKTOP