Khám phá

Trạng Ác Giáp Hải - kỳ 3: Trạng nguyên Giáp Hải quê ở đâu

  • Tác giả : Nguyễn Thành Hữu
(khoahocdoisong.vn) - Trạng nguyên Giáp Hải quê ở đâu? Việc tìm thấy di văn của Trạng nguyên Giáp Hải trên bia mộ của cha ông đã kết thúc cuộc tranh luận quê ông ở Bắc Giang hay Hà Nội.
  • Truyền thuyết và những chứng cứ

Nửa năm sau, có người làng Bát Tràng, nhà nghèo, đi làm mướn kiếm ăn, khi ấy trời đã tối, gặp phải mưa gió, quần áo ướt lướt thướt, rét run cầm cập, qua hàng ấy xin vào trọ một tối. Bà ấy hỏi đầu đuôi cặn kẽ, cho vào rồi đốt lửa cho sưởi và dọn cơm cho ăn.

Đêm ấy rét lắm, mà nhà thì chỉ có độc một chiếc chiếu. Người kia thì rét không thể nào mà không nhường được chiếu cho. Mà để cho khổ thì chẳng đành lòng mới cho nằm chung một giường. Người kia đã được no ấm lại nằm chung với đàn bà, lạ gì lửa gần rơm, té ra thành tư thông với nhau.

Nhưng không ngờ người kia bị chứng hạn thấp, chỉ một lúc thì tắt hơi. Bà ấy kinh hoảng, sợ người ta phát giác ra, đang đêm phải lôi ra đám tha ma vùi xuống, mà bà ta cũng có mang từ đấy. 

Được vài tháng nữa, người Tàu lại đến hỏi: - Từ khi táng mả đến giờ đã cứu được việc gì cho người nào chưa? Bà ấy đưa ra chỗ mả người kia. Người khách ngắm nghía một hồi rồi nói: - Chỗ này là huyệt thiên táng đấy, nếu có thai thì tất sinh ra Trạng nguyên, Tể tướng. Đầy năm, quả nhiên sinh được một con trai, cốt cách lạ thường. Cậu bé đó chính là Giáp Hải...

Tuy nhiên vào năm 1998, một phát hiện quan trọng có liên quan đến Giáp Hải đã được phát lộ. Ấy là do một nhóm công nhân giao thông khi làm đường đã phát hiện một hòm đá hình chữ nhật tại xã Dĩnh Trì. Hòm đá gồm hai phiến đá nhẵn chồng khít lên nhau. Phần áp mặt vào nhau có văn bản viết bằng chữ Nho.

Sau khi dịch nghĩa, người ta biết đây là di văn của Giáp Hải, được ông soạn kỹ càng rồi yểm xuống mộ Khánh Sơn tiên sinh (cha đẻ Giáp Hải) vào năm Tân Dậu 1549. Một điều thú vị là phần nắp đậy có những dòng chữ viết thêm cho biết ngôi mộ đã được chuyển từ núi Ngò về xã Dĩnh Trì như thế nào. Việc tranh cãi ông là người Bắc Giang hay Hà Nội đi đến hồi kết.

Thông tin trên cho thấy, cụ nội Giáp Hải là Giáp Thuận Trung, gặp loạn nhà Minh, nhà ở phía nam thành Xương Giang, vì không theo sự sai khiến phu dịch của nhà Minh, lãnh cư ở xã Như Thiết Thượng, Yên Dũng, rồi làm mục trưởng hương ấy, khi chết an táng tại đó.

Ông nội của Giáp Hải là Giáp Bảo Phúc trở lại quê cũ lập nghiệp lấy bà họ Ngô năm Nhâm Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 13 (1482) sinh ra Giáp Hà là phụ thân của Giáp Hải. Như vậy, Giáp Hải không phải là con nuôi mà là con đẻ đích thực của dòng họ Giáp, cha là cụ Giáp Hà, huý Đức Hưng, hiệu Khánh Sơn sinh ở Dĩnh Kế.

Nhân dân ngưỡng vọng

Trạng nguyên Giáp Hải, khi làm quan chính trực, thanh liêm, được nhà vua sủng ái tin dùng, các bạn đồng triều kính phục. Thời gian làm quan của ông trước sau năm lần giữ chức Thượng thư, ba lần giữ chức đài ấn, được phong tước Thái bảo Sách quốc công.

Ông mất vào tháng 12/1586, tại Dĩnh Kế, thọ 70 tuổi. Khi ông qua đời, nhân dân đã an táng, xây lăng quan Trạng, lập đền thờ quan Trạng. Dân và Nho sĩ hai huyện Phượng Nhãn - Bảo Lộc phủ Lạng Giang xưa lập văn chỉ, khắc bia các bậc tiên hiền của quê hương, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải và con ông là Tiến sĩ Giáp Lễ.

Đặc biệt dân Dĩnh Kế tổ chức tế lễ rước sách uy nghiêm trong ngày hội làng và rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Quan Trạng Giáp Hải được thờ phụng cùng với vị thần Cao Sơn - Quý Minh, với ngày hội lệ tháng 3 và việc thờ phụng được ghi vào hương ước của xã, vào bia ký ở đền và văn chỉ.

Những nguồn di sản trên đã chứng tỏ mối quan hệ, tình cảm gắn bó sâu sắc của Giáp Hải với Dĩnh Kế và sự nhớ ơn, ngưỡng vọng của nhân dân Dĩnh Kế với Giáp Hải. So với các địa phương Bát Tràng hay Công Luận thì Dĩnh Kế mới chính thực là quê hương của Trạng nguyên Giáp Hải, mà dân gian vẫn gọi thân thương là Trạng Kế - ông trạng của Dĩnh Kế.

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP