Khám phá

Trấn Quốc công Bùi Tá Hán – kỳ 4: Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ

Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ Bùi Tá Hán.

Mộ Bùi Tá Hán ở Quảng Ngãi.

Được lập đền thờ ở nhiều nơi

Sau khi mất, Bùi Tá Hán được truy tặng tước Thái bảo. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), gia phong ông là Khuông quốc Tịnh biên Thọ phục thượng đẳng thần.

Đến đời Tự Đức, các quan địa phương dựng bia bên mộ ông, trên bia khắc mấy chữ: “Cố Lê Đô đốc Trấn Quận công chi mộ”. (Mộ Đô đốc Trấn Quận công của triều cũ nhà Lê).

Lăng mộ Bùi Tá Hán được xây dựng tại khu rừng (là nơi đã tìm thấy áo bào của ông) ở làng Thu Phổ, nên gọi là Rừng Lăng. Đền thờ ông tọa lạc trên đỉnh núi Phước, bên hữu ngạn sông Trà Khúc, về sau gọi là núi Ông.

Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường Thu Phổ, đền thờ ông được dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi.

Trong đền có bức tượng thờ ông và người hầu cùng 24 sắc phong của các đời vua nhà Tây Sơn (Cảnh Thịnh) và nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định), trong đó có 9 sắc phong cho ông, 7 sắc phong cho Xích Y thị là người hầu, 8 sắc phong cho Bùi Tá Thế – con trai Bùi Tá Hán, danh tướng triều Lê. Đền thờ Bùi Tá Hán đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.

Một số người trong tộc họ Bùi còn cho biết, trước đây nhà thờ còn lưu giữ một sắc phong đời Gia Long, nhưng đã bị thất lạc.

Ngoài ra còn có nhiều liễn đối phúng điếu và thơ ngợi ca công đức Bùi Trấn công của các quan lại đầu tỉnh cùng các bậc túc nho như Hiệp Đức hầu Lưu Đình Luyện, Tiến sỹ – Án sát sứ Quảng Ngãi Trương Quốc Dụng, Tuần vũ Quảng Ngãi Huỳnh Côn, Tuần vũ Quảng Ngãi Lê Từ…

Tài liệu khảo cứu cho biết, Bùi Tá Hán còn được thờ phụng ở nhiều nơi trong tỉnh như đình An Hải (Lý Sơn), chùa Tam Thanh (Mộ Đức); điện Trường Bà (Trà Bồng), đền Ông Bùi (Sơn Hà)…

Ngoài tỉnh, dọc theo vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân trở vào có nhiều đền miếu phối thờ Trấn Quận công như đền Tam Thanh (Điện Bàn, Quảng Nam), đình Nam Chơn (TP HCM)…

Đến nay, ở nhiều vùng miền tây Quảng Nam, Quảng Ngãi trong các dịp cúng tế các vị bô lão vẫn thường cung thỉnh Bùi Tá Hán (với danh vị tôn xưng là ông Trấn Bắc) liền sau thần Nông và thần Tắc (thần Lúa).

Thủy tổ dòng họ Bùi

Từ Bùi Tá Hán, dòng họ Bùi truyền đời lập nghiệp tại Quảng Ngãi, có nhiều người thành danh, lưu tên trong sử sách như Tứ Dương hầu Bùi Tá Thế, Thu Giang Bùi Phụ Phong…, nổi tiếng là một dòng tộc thượng võ.

Bùi Tá Hán sinh quán ở châu Hoan, Nghệ An,  nhưng có công lớn với vùng đất Quảng Ngãi, là thủy tổ của tộc Bùi ở đây, nên Quốc sử quán triều Nguyễn xem ông là danh nhân tỉnh Quảng Ngãi và ca ngợi sự nghiệp cai quản “chú trọng ban ơn huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến”.

Sơn phòng tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn khi viết tập sách nổi tiếng “Phủ Man tạp lục” đã đặt Bùi Tá Hán ở vị trí đầu tiên trong số những nhân vật góp công lớn vào sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Một con đường ở thành phố Quảng Ngãi và một con đường ở thành phố Đà Nẵng mang tên Bùi Tá Hán là cách để hậu thế bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Ngày rằm tháng năm là ngày giỗ hằng năm của Bùi Tá Hán.

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP