Khám phá

Trấn Quốc công Bùi Tá Hán – kỳ 3: Chính sách mềm dẻo với miền núi

Chính sách mềm dẻo với miền núi của Bùi Tá Hán đối với các tộc người thuộc thừa tuyên Quảng Nam được thể hiện rõ q

Đền thờ Bùi Tá Hán.

Người Kinh, người Thượng đều yên ổn

Về vấn đề này, ông thực thi những chính sách làm cho mối quan hệ giữa giữa Đại Việt và các bộ tộc trên cao nguyên trở nên gắn bó mật thiết hơn. Mỗi vùng cư trú của người dân tộc thiểu số, ông đặt chức Giao dịch là người địa phương đặc trách trông nom đồng bào của mình.

Và dưới quyền của Giao dịch có bốn Cai quản và nhiều phụ tá là thương nhân, đại diện cho triều đình được phép đi lại, buôn bán và có trách nhiệm thu thuế nộp cho triều đình. Ngoài món thuế ấy ra, không được đòi hỏi gì thêm ở người dân tộc thiểu số.

Nhận thấy đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi thừa tuyên Quảng Nam canh tác còn quá thô sơ lạc hậu, lại hay đốt rừng phá núi, Bùi Tá Hán chủ trương phổ biến cho bà con việc cày bừa, cấy gặt, khuyến khích việc định canh định cư để ổn định và nâng cao đời sống.

Ông còn cho lập những nơi giao dịch giữa người Kinh và người Thượng – như lập các chợ phiên, hai ngày nhóm họp một lần ở những vùng giáp ranh, để họ có điều kiện trao đổi hàng hóa cũng như hòa hiếu với nhau.

Trong Phủ Man tạp lục cũng chép: bấy giờ Bùi Tá Hán đối xử với người Thượng như đối với người Kinh, nên người Kinh, người Thượng đều được yên ổn làm ăn sinh sống, không xảy ra việc xâm biên gây rối nhau.

Được xếp vào hàng thứ ba trong thứ bậc thần linh

Chính vì những chủ trương đúng đắn này mà khi Bùi Tá Hán mất, đồng bào các dân tộc ít người đã tôn vinh ông như một vị thần quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng của họ, trở thành vị thần trong tâm thức của người thiểu số và xếp ông vào hàng thứ ba trong thứ bậc thần linh: Thần Nông, Hậu Tắc, Trấn Bắc, Xứ Xang – Trấn Bắc tức là Bùi Tá Hán.

Còn với biên giới Chiêm Thành ở phía nam, Bùi Tá Hán cho lập đồn binh canh phòng cẩn mật các nơi xung yếu, đồng thời ra lệnh cho binh lính phải có thái độ hòa nhã, tôn trọng người Chăm và cho phép hai tộc người Việt – Chăm qua lại, trao đổi buôn bán.

Từ một vùng đất loạn lạc liên miên, nhưng khi Bùi Tá Hán đặt định được chính quyền và thực thi những chính sách hợp lòng dân, xứ Quảng đã thành vùng đất của hòa bình, hòa hợp và sung túc.

Danh xưng “Trấn Quốc công”  tôn vinh Bùi Tá Hán đã nói lên sự ghi nhận không chỉ của triều đình, mà chính là sự ngưỡng mộ, yêu quý của nhân dân xứ Quảng và cả dải đất miền Nam Trung bộ dành cho ông.

Vì thế, dù ít được sử sách chính thống nhắc tới, nhưng Trấn Quốc công Bùi Tá Hán đã thực sự sống trong lòng dân suốt 5 thế kỷ nay, sống trong lòng cộng đồng các dân tộc Nam Trung bộ không phân biệt người Việt hay người Chăm, người Kinh hay người Thượng.

Bùi Tá Hán mất năm 1568, không rõ nguyên nhân. Nhưng có thông tin nói, ông bị quân Chiêm Thành phục kích bắt giết trong một lần đi công vụ vào năm 1568, tại khu rừng Cầy, làng Thu Phổ thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi).

Dân gian thì tin rằng ông đã hiển thánh cùng với con ngựa quý, chỉ để lại tấm áo bào có vết máu tươi, như lời văn còn truyền tụng: Nhân mã bất tri hà xứ khứ – Huyết y trường dữ thử bi lưu. (Người ngựa đi đâu nào thấy bóng – Áo bào thấm máu để ngàn sau).

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP