Khám phá

Trấn Quốc công Bùi Tá Hán – kỳ 2: Tư duy đổi mới của một nhà lãnh đạo

Tư duy đổi mới của một nhà lãnh đạo địa phương khiến Bùi Tá Hán luôn nhìn cuộc sống như một thực thể sinh động, đòi hỏi phải có những chính sách quản lý phù hợp.

Bìa cuối sách có phụ lục nguyên bản chữ Nho “Phủ tập Quảng Nam ký sự” .

Những chính sách với lưu dân

Trong số các sách sử viết về tiến trình Quảng Nam mở cõi, Phủ tập Quảng Nam ký sự của Mai thị có vị trí đặc biệt quan trọng.

Phủ tập Quảng Nam ký sự là một cuốn sử liệu, dù dung lượng còn khiêm tốn, nhưng nhờ được viết khá sớm, và chỉ viết riêng về việc vỗ yên dân chúng ở vùng đất Quảng Nam ngay từ buổi đầu khai phá, đã góp phần hình dung tiến trình Quảng Nam mở cõi toàn diện hơn, nhất là giúp hậu thế có thêm hiểu biết về công lao của Bùi Tá Hán trong việc thu phục đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc và việc thực thi chính sách an dân ở vùng đất này trong hơn hai mươi năm, từ năm 1545 đến năm 1568, khi Bùi Tá Hán qua đời.

Qua Phủ tập Quảng Nam ký sự, có thể thấy tài năng kinh bang tế thế của Bùi Tá Hán trên địa bàn này. Thừa tuyên Quảng Nam thời Bùi Tá Hán dẫu còn rất nhiều khó khăn bất trắc, vẫn đủ sức hấp dẫn không ít lưu dân vùng Thanh – Nghệ và một phần ở Hải Dương vào khẩn đất lập làng.

Bùi Tá Hán không thể không trăn trở tìm giải pháp tối ưu nhằm tạo điều kiện để những lưu dân sớm ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới và ông đã đề ra một số kế sách hết sức cụ thể.

Trước tiên, ông chỉ định cho các quan cấp huyện phải lo việc tiếp dân và điều hành mọi công việc liên quan đến số hộ mới nhập cư, hộ nào đến trước thì giúp họ ở nhờ vào địa phận có đồn điền quân đội, xuất công quỹ trợ cấp mỗi hộ năm tháng lương ăn, điều quân đội lên rừng chặt gỗ, lên núi cắt tranh làm nhà cho từng hộ.

Sau khi đã yên ổn chỗ ăn chỗ ở thì trích ruộng thục điền trong số ruộng đất tại các đồn điền giao cho mỗi hộ một ít để tạm thời canh tác. Có thể nói ngay từ lúc này, Bùi Tá Hán đã chỉ đạo thực hiện thành công “công tác dân vận” trong quân đội lúc bấy giờ.

Những chính sách động viên thầy thuốc, thầy giáo

Ông còn khuyên lưu dân trước mắt trồng khoai lang, rau ngắn ngày, để chỉ cần sau ba tháng nhập cư sẽ có hoa lợi mà dùng và cũng khuyên họ sau mùa cấy hái phải ra sức khai hoang làm ruộng tư – ai có công khai phá thì số ruộng khai hoang vỡ hóa ấy sẽ thuộc sở hữu riêng.

Ngoài ra, ông còn chủ trương những ruộng đất nào mà trước đây quân lính khai khẩn nay đã thành thục điền thì làm công điền, giao cho các thôn xã cấp cho dân cày cấy và thu thuế.

Ông còn đề xuất phải tiến hành kiểm kê ruộng đất trên diện rộng, cả công điền lẫn tư điền. Đây có thể nói là tầm nhìn sâu rộng của một nhà lãnh đạo trên lĩnh vực quản lý đất đai.

Bùi Tá Hán còn xuất sắc trên các lĩnh vực xã hội, ông sớm đề ra chính sách động viên, khuyến khích đối với các thầy thuốc với những cách nghĩ, cách làm khiến chúng ta ngày nay không thể không khâm phục. Để mỗi xã thôn có một thầy thuốc, ông chủ trương trích một số ruộng đất công cấp cho các thầy thuổc để họ yên tâm định cư và có điều kiện chữa trị cho dân.

Cũng tương tự, ông cho trích ruộng đất công cấp cho các thầy đồ, lập nghĩa thục – trường tư, đặc biệt là ở những xã thôn nào có hộ khẩu tăng nhanh, trẻ em đông đúc.

Bùi Tá Hán chủ trương cho xây dựng chùa chiền để dân cúng tế, lễ bái; đặc biệt chủ trương hạn chế việc ăn uống kéo dài gây lãng phí trong đám cưới, đám tang…

Ông còn khuyên nhà quan cũng như nhà dân, bất luận giàu nghèo đều phải “ăn độn”: mỗi khi nấu cơm ghế thêm hai mươi phần trăm khoai lang hoặc bắp. Tất nhiên chủ trương thực hành tiết kiệm như vậy xuất phát từ thực trạng kinh tế còn thấp của một vùng đất mới.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP