Khám phá

Trần Minh Tông và bài học về sử dụng hiền tài – kỳ 2: Dạy hoàng tử, thiện ác đều phải nêu

Dạy hoàng tử, thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào, đó là quan niệm dạy con của vua Trần Minh Tông, một vị vua sáng của triều Trần.

Vua Trần Minh Tông.

Làm Thượng hoàng, vẫn nắm đại quyền

Ngày 116/1341, Hiến Tông hoàng đế qua đời khi mới 23 tuổi. Ngày 21/8, Thượng hoàng lập con trai thứ 10 là hoàng tử Trần Hạo mới lên 6 tuổi, tức là Trần Dụ Tông. Thượng hoàng vẫn nắm đại quyền triều đình, sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.

Mùa xuân năm 1344, người huyện Trà Hương là Ngô Bệ họp tập lực lượng nổi dậy nhưng nhanh chóng bị dẹp. Đây là mầm mống đầu tiên của phong trào nông dân khởi nghĩa cuối đời Trần, báo hiệu sự suy vong của triều đại này. Trong thời gian đó, Thượng hoàng cũng hạ chiếu truy phục lại quan tước cho Trần Quốc Chẩn.

Năm 1345, vì Chiêm Thành đã lâu không cống, triều đình cử sứ sang hỏi, Chiêm Thành chịu cống nhưng lễ vật sơ sài. Cùng năm đó, Ai Lao cướp ngoài biên giới. Nhà vua sai Bảo Uy vương là Hoàn đi đánh, phá tan được.

Mùa hạ năm 1347, Bảo Uy vương vì ăn cắp áo mặc của vua, bị phát hiện. Thượng hoàng giận lắm, truất Hoàn ra ngoài biên trấn. Khi Hoàn đi đến sông Trinh Nữ, Thượng hoàng sai vũ sĩ chở chiếc thuyền nhỏ đuổi theo, giết đi.

Năm 1350, Thượng hoàng dùng Nguyễn Trung Ngạn làm Nhập nội Hành khiển, vẫn cứ giữ việc Xu mật viện, sau đó dùng Cung Định vương Trần Phủ làm Hữu tướng quốc, Cung Định vương Nguyên Trác làm Tả tướng quốc. Bấy giờ con vua Chiêm cũ là Chế Mỗ tranh quyền với vua Chiêm hiện tại, sang nhà Trần cầu cứu. Trần Minh Tông sai đưa Chế Mỗ về nước. Bộ binh đến Cổ Lũy, thủy quân tải lương không kịp, bèn trở về.

Dạy hoàng tử, thiện ác đều phải nêu

Bàn về những người dạy hoàng tử, Thượng hoàng chủ trương rằng, thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dạng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Hạ Kiệt, Trụ Vương, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao.

Thượng hoàng thường dạy các hoàng tử: ai mà trì khu làm giàu, co cỏm bỏn sẻn, thì không phải là con ta. Thà rằng hào phóng mà phải nghèo, dẫu không khỏi túng thiếu đấy thật, nhưng vẫn không phi tiếng là con nhà sang.

Mùa thu năm 1356, Thượng hoàng thăm đền Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn; lúc trở về, có con ong vàng đốt phải má bên trái, do đó nằm bệnh.

Ngày 19/2/1357, Thượng hoàng Minh Tông qua đời tại cung Bảo Nguyên, hưởng thọ 58 tuổi; được tôn thụy hiệu là Chương Nghiêu Văn Triết Hoàng đế. Mùa đông, ngày 11/11/1357, Minh Tông được táng vào Mục Lăng, xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Trong 15 năm trị vì (1314 – 1329), Trần Minh Tông được sử sách ghi nhận là người có tính tình nhân hậu, biết trọng người tài. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Năm 1323, ông đã cho mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

Tuy nhiên, vua Trần Minh Tông cũng bị chê trách khi tin vào Trần Khắc Chung và Văn Hiến hầu nên đã giết Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một người đức cao vọng trọng, người có công, là chú ruột, đồng thời là cha của Hiến Từ Thái hậu năm 1328.

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Trung

BẢN DESKTOP