Cua huỳnh đế có tên khoa học là Ranina Ranina, là một loài cua biển sống ở vùng biển phía Đông Nam Thái Bình Dương và các vùng biển ôn đới khác. Ở Việt Nam, cua huỳnh đế xuất hiện nhiều ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quý (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cam Ranh (Khánh Hòa)…
Đây là loài hải sản có giá trị kinh tế cao, được làm nguyên liệu chế biến thành những món ăn đặc sản nên thu hút khách mua.
Từ 60.000 đồng/con
Anh Tạ Quang Thảo, chủ một cửa hàng chuyên bán các loại hải sản ở quận Tân Bình (TP HCM) cho biết, cua huỳnh đế có hình dáng khum tròn, trông như một con bọ cạp khổng lồ, toàn thân có màu đỏ cam, mai hình vuông dạng chữ U, có 6 chân và 2 càng. Thịt cua chắc, thơm ngon nên thường bán với mức giá cao.
Theo anh Thảo, vào khoảng 1 năm về trước, cửa hàng thường nhập cua huỳnh đế loại lớn (trọng lượng từ 800 gram - 1 kg mỗi con), có giá bán hơn 1.000.000 đồng/kg, nhưng thời gian gần đây, rất hiếm khi nhập được loại lớn mà chủ yếu là loại cua mini (trọng lượng từ 100 - 150 gram mỗi con).
“Loại này cửa hàng thường bán lẻ khoảng 10 con/kg, với giá bán từ 500.000 - 600.000 đồng/kg”, anh Quang Thảo cho hay.
Cua huỳnh đế mini đang được bán tràn lan trên thị trường |
Chị Hà Liên, một đầu mối chuyên bán hải sản trên chợ mạng cũng chia sẻ, thời điểm này, ngư dân thường chỉ bắt được những con cua huỳnh đế loại nhỏ. Hiện chị bán chủ yếu loại cua nặng khoảng 100 gram mỗi con với giá 60.000 đồng/con, còn loại 150 gram có giá từ 80.000 - 100.000 đồng/con.
“Cua huỳnh đế loại nhỏ này giá khá rẻ, chỉ bằng một phần ba so với loại lớn nên được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Tôi nhập về bao nhiêu ký là bán hết bấy nhiêu”, chị Hà Liên nói.
Thương nhân ở chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, TP HCM) cũng cho biết, thường các thương lái sẽ gom hết cua huỳnh đế tại biển để bán cho các đầu mối hải sản nên sẽ khan hiếm khi về chợ.
“Khách muốn mua cua huỳnh đế phải đặt hàng trước và thông thường về chợ cũng chỉ có cua mini, giá bán hơn 500.000 đồng/kg”, anh Nguyễn Văn Hiền, thương nhân kinh doanh hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết.
Theo anh Hiền, so với năm ngoái, năm nay cua huỳnh đế có kích thước nhỏ, ướp đá, không còn tươi sống xuất hiện nhiều tại các điểm bán hải sản ở TP HCM hơn.
Siết chặt quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Nhiều ngư dân cho biết, cua huỳnh đế rộ vụ từ cuối tháng 12 đến tháng 5, sau đó số lượng khai thác giảm dần. Sự khai thác quá mức trong vài năm gần đây đã làm giảm đáng kể số lượng cua lớn. Do đó, cua nhỏ ngày càng được người dân mang đi bán thay vì thả chúng lại biển như trước đây.
“Cua huỳnh đế vốn là đặc sản nổi tiếng của Phú Quý nhưng việc khai thác và bán loại cua nhỏ sẽ làm tận diệt. Tôi luôn nhắc nhở người nhà mình nên chọn cua huỳnh đế có kích thước đạt chuẩn để đánh bắt, vừa có thu nhập cao, vừa để bảo vệ loài hải sản đặc trưng này”, ông Trần Xuân Dũng, một ngư dân lão thành ở huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thức, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hải sản tại TP HCM cũng bày tỏ, việc tiêu thụ cua huỳnh đế có kích thước quá nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc tái đàn và nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, các nước trên thế giới như Nhật Bản, EU, Anh… đều có quy định kích cỡ khai thác để đánh bắt vừa mức, bảo vệ và duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo.
“Cua huỳnh đế tại doanh nghiệp tôi thường nhập là loại cua lớn từ đảo Phú Quý (Bình Thuận). Năm nay, loại cua này khan hiếm nên sản lượng ngư dân khai thác giảm mạnh”, ông Thức nói.
Cần hạn chế hành vi khai thác đánh bắt cua huỳnh đế có trọng lượng nhỏ nhằm bảo vệ và duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo. |
Liên quan đến vấn đề khai thác, một lãnh đạo phòng nghiệp vụ Chi cục thủy sản Bình Thuận cho biết, theo nghị định 37/2024/NĐ-CP, với cua huỳnh đế, kích thước mai tối thiểu được khai thác là từ 10cm trở lên. Khối lượng cua huỳnh đế đạt chuẩn được phép đánh bắt từ khoảng 300 gram/con.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của khách hàng cao nên một số ngư dân đã đánh bắt cả những loại cua cỡ nhỏ từ 100 - 200 gram, cua mang trứng khiến loại cua có trọng lượng từ 0,5 gram đến 1 kg ngày càng hiếm.
Theo Cục Kiểm ngư – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên là rất cần thiết và phù hợp trong thực tiễn hiện nay. Vì nguồn lợi hải sản ở nước ta suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi được xác định là do cường lực khai thác quá mức, đặc biệt là khai thác xâm hại thủy sản con non, kích thước nhỏ chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác.
Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng sẽ xử lý và phạt nặng đối với các hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua bán thủy sản…