Dọc đường

Trăm năm làng trống Đọi Tam

Họ là những nghệ nhân, người thợ, thành viên trong một dòng tộc đã gìn giữ nghề truyền thống suốt hàng trăm năm qua.

Lịch sử trăm năm

Chưa có tư liệu lịch sử nào khẳng định số tuổi chính xác của làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, Hà Nam). Tuy nhiên, các bậc cao niên trong làng cho biết gia phả suốt mấy trăm năm qua của các dòng họ đều ghi rõ làng có nghề làm trống cha truyền con nối. Đời nào cũng có những thợ cả nổi tiếng mang danh trống Đọi Tam đi khắp các vùng miền.

Trăm năm làng trống Đọi Tam ảnh 1
Sơn, vẽ hoa văn để hoàn thiện trống

Làng Đọi Tam có 350 hộ thì cả 350 hộ đều theo nghề làm trống. Ông Lê Ngọc Hùng, một nghệ nhân và cũng là chủ cơ sở sản xuất trống lớn nhất, nhì Đọi Tam cho biết từ đầu năm, cơ sở của ông đã xuất vài nghìn quả trống các loại. Tính cả thôn lên tới vài trăm nghìn quả. Chỉ riêng dịp Tết âm lịch này, cơ sở của ông Hùng đã nhận đơn đặt hàng tới gần 1.000 quả.

Nói về bí quyết thành công của nghề trống Đọi Tam, ông Hùng cho biết: Vẫn chỉ có 2 nguyên liệu chính là gỗ mít và da trâu, nhưng người tinh tường sẽ nhận ra tiếng trống Đọi Tam có âm vực riêng. Nhất là tiếng trống cái, trống hội bao giờ cũng trầm hùng, vang dội hơn nơi khác sản xuất. Đấy chính là công thức, bí quyết được tích lũy suốt mấy trăm năm và chỉ truyền trong làng, trong họ.

Còn theo ông Lê Văn Xuân, cũng là một thợ giỏi trong làng, để có được chiếc trống tốt, người Đọi Tam cẩn thận đến mức chi li trong khâu chọn nguyên liệu. Gỗ phải là loại gỗ mít già, có độ cong theo đúng yêu cầu từng loại trống. Da trâu phải già, được nạo sạch mặt, sau đó căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống để dai, không mục, mủn. Nhưng để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào tay nghề của người làm, vì mỗi loại có yêu cầu về âm thanh khác nhau, như độ vang, rền và độ đanh.

Ví dụ nếu trống trường âm thanh phải vang, rền còn trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn… Mỗi loại âm thanh của trống được tạo ra từ thao tác chính xác đến tuyệt đối của người thợ trong việc xử lý nguyên liệu, từ khâu chế tác, xếp tang (khung gỗ), đến chọn và xử lý da trâu, căng da, đóng đinh. Thậm chí, việc đánh bóng và vẽ hoa văn trên mặt trống, tang trống của Đọi Tam cũng có bí quyết riêng. “Bởi vậy, 350 hộ với cả nghìn người làng này làm, nhưng chỉ có một số ít người dám nhận làm trống lớn, trống trường, trống hội, là những loại đòi hỏi phải có tay nghề cao”, ông Xuân tiết lộ.

“Làng trống Đọi Tam được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu của toàn quốc, sản phẩm trống Đọi Tam đã xuất bán qua các nước châu Âu. Nghệ nhân Đọi Tam vinh dự làm ra bộ trống hội phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng tự hào lớn nhất của chúng tôi là đã góp phần gìn giữ, tôn vinh được tiếng trống, một nét đẹp của văn hóa người Việt”.

— Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng thôn Đọi Tam—

Đội trống gái Đọi Tam

Làng trống Đọi Tam từ xưa không truyền nghề cho con rể và con gái vì sợ bị lộ bí mật ra ngoài. Tuy nhiên, đến nay người Đọi Tam đã cho phép truyền nghề cho phụ nữ. Bà Lê Thị Thanh, vợ nghệ nhân Lê Thế Hùng đã có gần 30 năm làm nghề và được người làng xếp vào hàng “cao thủ”. Tại Đọi Tam có hơn 80 phụ nữ làm nghề trống. Không chỉ truyền nghề cho nữ giới, Đọi Tam còn có đội trống gái, toàn phụ nữ, có một không hai ở VN hiện nay.

Trăm năm làng trống Đọi Tam ảnh 2
Đội trống gái Đọi Tam biểu diễn trong lễ hội Tịch điền 2014 

Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng thôn Đọi Tam, cho biết: “Năm 2004 làng Đọi Tam thành lập đội trống với các tay trống đều là phụ nữ và lấy tên là Đội trống gái Đọi Tam. Mất gần 2 năm mới ổn định được đội hình và có thể biểu diễn được”. Đội trống có 48 người, đánh nhiều loại trống, trong đó chiếc lớn nhất cao 1,77 m, đường kính mặt 1,47 m, chiếc trống đại cao 1,2 m, đường kính mặt 1,8 m, 12 chiếc trống cám, 12 chiếc trống nhỡ, 12 chiếc bản, 8 chiếc trống giả cổ.

Điểm đặc biệt là để được tham gia đội trống nữ của làng, ngoài việc có năng khiếu về nhạc và có thể hình tốt thì bắt buộc là phụ nữ đã có chồng. “Chúng tôi muốn duy trì đội trống lâu dài, sợ sau này khi xây dựng gia đình thì đội trống sẽ mất người nên phải quy định như vậy”, ông Minh lý giải.

Sau 10 năm thành lập, đến nay đội trống làng đã tăng lên 60 người. Số tay trống vẫn giữ nguyên là 48 phụ nữ, thêm 12 nam phụ đánh đồ đồng (chiêng, lệnh, thanh la, nạo bạt…). Đội trống gái Đọi Tam không chỉ phục vụ các lễ hội ở địa phương mà còn tham gia biểu diễn trên tất cả mọi miền của Tổ quốc.

Tổng hợp

BẢN DESKTOP