KINH TẾ

Trái phiếu doanh nghiệp: Khối “bom nợ” tiềm ẩn

  • Tác giả : Thiên Ân
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Những cuộc bắt tay nghìn tỷ

Năm 2021 được coi là một năm lên ngôi của các công ty bất động sản vì liên tục chiếm ngôi vương trong việc phát hành trái phiếu. Tính sơ bộ 9 tháng đầu năm, ngành bất động sản đã phát hành 172.000 tỷ đồng, chiếm 40% cơ cấu phát hành trái phiếu.

Thực tế, công điện của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, với lượng phát hành trái phiếu như hiện nay là “tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Còn theo nhiều nghiên cứu của SSI đã công bố công khai, có đến trên 60% số vài triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong giai đoạn 5 năm qua là trái phiếu bất động sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, phát hành riêng lẻ, do các ngân hàng và công ty chứng khoán mua…

Trong số những doanh nghiệp này phải kể đến Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Đơn vị này đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản.

Theo thông tin công bố, trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, trả lãi 3 tháng/lần. Lãi suất năm đầu tiên cố định là 10,5%/năm, các kỳ tính lãi tiếp theo được tính bằng tổng của 3,2%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân VND kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của ngân hàng MBBank. Được biết, MB cũng là nơi Trung Nam thế chấp nhiều tài sản.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect là đơn vị tư vấn hồ sơ, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản đảm bảo đến đăng ký lưu ký và thanh toán. Tuy nhiên, không xuất hiện thông tin chi tiết về tài sản đảm bảo của tất cả các lô trái phiếu này. Doanh nghiệp trong nước mua hết lô trái phiếu này là một công ty chứng khoán.

Với quy mô vốn chủ sở hữu thấp, sẽ không bất ngờ việc công ty chứng khoán tham gia mua lô trái phiếu này là thực hiện ủy thác của một tổ chức tín dụng. Nhấn mạnh là, pháp luật không cấm đơn vị nhận tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành mua trái phiếu của doanh nghiệp này. Nói cách khác, MBBank có thể chính là trái chủ ẩn danh của lô trái phiếu của Trung Nam.

Góp mặt trong danh sách này còn có Công ty CP Đầu tư Golden Hill. Đơn vị này đã phát hành thành công 5.760 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 9,7%/năm, sau đó lãi suất bằng tổng lãi suất tham chiếu cộng 3,5%/năm.

tcbs.jpg
Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities,) đóng vai trò là nhà tư vấn, bảo lãnh phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo... trái phiếu của Golden Hill.

Golden Hill thông báo, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này gồm: Cổ phần của Goden Hill; dự án 87 Cống Quỳnh và các tài sản bổ sung… Việc phát hành này dùng để thanh toán một phần các khoản phải trả với các bên đối tác liên quan đến việc thanh lý các hợp đồng hợp tác đầu tư với tổng dư nợ gốc là 8.054 tỷ đồng.

Sau đó đơn vị này còn tiếp tục phát hành nhiều lô trái phiếu khác và đều do Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities, TCBS) đóng vai trò là nhà tư vấn, bảo lãnh phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo... Theo BCTC quý 2 do TCBS, trái phiếu của Golden Hill chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng giá trị bán gần 10.533 tỷ đồng và lãi gần 220 tỷ đồng.

Cùng thời điểm này, TCBS cũng thu xếp cho một doanh nghiệp liên quan đến Golden Hill là Công ty CP Đầu tư Voyage phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu này có kỳ hạn 48 tháng, lãi suất cho năm đầu tiên là 10,5%/năm.

Trái phiếu bất động sản: Càng thêm nóng

Tại công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Trong đó gồm, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Đồng thời, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có), để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Cần lưu ý, Bộ Tài chính, NHNN cũng chính là hai cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo, định hình các chính sách đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp suốt nhiều năm qua.

Khi thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng, hai cơ quan đã soạn thảo, lấy ý kiến và đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ tháng 9/2020, với kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đà tăng nóng, giúp quản lý tốt hơn, minh bạch, công khai, hiệu quả hơn đối với thị trường này.

trai-phieu(1).png
Giá đất tăng cao trong thời gian vừa qua có nguyên nhân trực tiếp từ chi phí tài chính phải trả.

Như trên đã dẫn, kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021 còn tăng mạnh hơn cả năm 2020, đến mức Thủ tướng phải phát đi đánh giá chính thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là đang “tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Nhấn mạnh rằng, tiền bán trái phiếu là tiền của doanh nghiệp. Tức là, nếu ngân hàng mua trái phiếu của công ty con, công ty thân hữu, cũng có nghĩa tiền từ ngân hàng đã chuyển sang và hình thành tài sản cho nhóm nhỏ chủ các công ty con, công ty thân hữu của ngân hàng. Dòng tiền này (quy mô triệu tỷ đồng) ít chịu các chế định áp dụng với tổ chức tín dụng.

Lãi suất các công ty này trả cho người mua trái phiếu – thường là các ngân hàng – được hạch toán vào lợi nhuận của người mua. Ở đây cần nhắc tới thực tế, nhiều năm qua rất ít ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, mà thường quy đổi lợi nhuận chưa phân phối thành cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng.

Nói cách khác, lợi nhuận “báo sổ” lại được nhân lên nhiều lần, thành giấy tờ có giá. Sau đó được mua bán trên sàn chứng khoán để tiếp tục tăng giá, quy đổi thành… tiền thật.

Đồng thời, với lãi suất lên tới 9 – 12% mỗi năm, kỳ hạn từ 3 - 5 năm, không quá khó để thấy trong tổng đầu tư mỗi dự án, giá thành sản phẩm, chi phí tài chính – cụ thể là lãi vay - luôn chiếm tỷ lệ rất cao, từ 35% tới 60%. Tất nhiên, người chi trả luôn là khách mua sản phẩm.

Điều này cũng có nghĩa, giá đất tăng cao trong thời gian vừa qua có nguyên nhân trực tiếp từ chi phí tài chính phải trả. Có lẽ “cò đất” bơm thổi chỉ là cái rìa của một chuỗi vòng tròn tăng giá mà thôi.

Vậy thì Bộ Tài chính, NHNN – hai cơ quan chủ chốt “giúp” trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng - sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thế nào, khi chính hai cơ quan này là “kiến trúc sư” cho thực tế “tiềm ẩn nhiều rủi ro” của thị trường ấy?

Thiên Ân

BẢN DESKTOP