Dinh dưỡng

Trái cây mùa hè càng ăn càng hại sức khỏe?

  • Tác giả : Thúy Nga
"Tốt nhất người bệnh chỉ nên ăn đủ phần hoa quả cho mỗi người để tránh lợi bất cập hại”, BS Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo.

Mùa hè nóng bức, bà Nguyễn Thị H., 55 tuổi (Hà Nội) không muốn ăn cơm nên tích cực bồi bổ hoa quả. Có hôm, thấy vải ngon bà ăn nửa chùm to. Sau đó, bà cảm thấy người mệt mỏi, khó chịu... Bà H. đi khám kết quả đường huyết tăng cao, trong khi trước đó đường huyết ở mức 4-5mol/l, hoàn toàn bình thường. Bác sĩ xác định nguyên nhân là lượng đường cao trong vải gây ra.

Mắc bệnh do ăn uống không đúng cách

Một bệnh nhân thể nhiệt ăn nhiều mít, dứa, mận... khiến cơ thể bị chảy máu ngoài da, xuất hiện nhiều mảng thâm tím khắp cơ thể. Nguyên nhân theo Đông y, thời tiết nóng bức lại ăn nhiều đồ nóng khiến huyết bị báng loạn, làm căng mạch máu, nhẹ thì rôm sảy, mẩn ngứa... nặng thì gây rò rỉ máu, xuất huyết ngoài da tạo nên các mảng đỏ, tím trên cơ thể.

Ngược lại, có một bệnh nhân trẻ bị đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ăn uống khó tiêu... lâu ngày đến khám. Bệnh nhân cho biết, không ăn uống được, chủ yếu thích ăn đồ mát lạnh như dưa hấu, củ đậu, chè... Nguyên nhân bệnh nhân thuộc thể hàn, lại ăn quá nhiều đồ mát lạnh nên bị bệnh...

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông y cho biết, các đối tượng trên mang bệnh không phải do tính nóng, mát của thực phẩm mà vì ăn uống không đúng cách.

Mùa hè dân ta hay có thói quen “thanh nhiệt, giải thử” chọn đồ ăn, thức uống mát lạnh trong mùa hè, tránh hoa quả và đồ ăn mang tính nóng để sử dụng nhưng lại không biết rằng, mùa hạ tuy dương khí vượng thịnh ngoài, nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên “trời tuy nóng chớ ham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều”.

Nếu không biết cách ăn uống và giữ gìn thì sẽ mắc nhiều bệnh tật. Để khỏe mạnh chúng ta phải biết bồi bổ ăn uống theo thể chất, để quân bình âm dương, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Hơn nữa, mỗi người có một thể trạng riêng. Khi hiểu được bản thân thuộc thể trạng hàn, nhiệt, hay trung bình thì nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, phòng tránh sinh bệnh tật.

Chẳng hạn, người thể hàn nên ăn thực phẩm ôn, ấm nhưng cũng không nên lạm dụng những thực phẩm mang tính nhiệt vì nếu ăn nhiều sẽ gây mất quân bình, lâu ngày sẽ hóa hỏa, hóa phong, sinh bệnh. Hay mùa hè tuy nóng nhưng nếu người thể hàn ăn uống đồ mát lạnh, đã hàn lại càng hàn sẽ sinh bệnh hàn chứng... Hoặc người thể nhiệt lại ăn nhiều đồ cay nóng dẫn tới bệnh nhiệt chứng.

Vì vậy, ăn uống cân bằng ngũ vị, ngũ sắc để cơ thể tự điều chỉnh cho khỏe mạnh.

Trái cây mùa hè càng ăn càng hại sức khỏe? ảnh 1

Trái cây mùa hè càng ăn càng hại sức khỏe?

Trái cây có loại nhiều và ít đường

Theo BS Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong y học hiện đại, thực tế không tồn tại khái niệm thực phẩm nóng, lạnh hay mát. Đó chỉ là quan niệm dân gian. Trái cây chỉ được phân làm hai loại nhiều đường và ít đường.

Những người bị tiểu đường, thừa cân, béo phì nên hạn chế ăn các loại quả cho nhiều vị ngọt. Chúng vẫn cung cấp nhiều vitamin nên bạn vẫn ăn được ở lượng vừa phải.

Những người thể trạng yếu, ăn kém không nên ăn trái cây trước bữa ăn, làm giảm cảm giác ngon miệng ở bữa ăn chính. Nên ăn trái cây vào bữa phụ, sau ăn 1-2 giờ.

Một số người bị nổi mụn, phát ban hoặc ngứa…sau khi ăn mận, vải mít… không phải do trái cây nóng hay chứa chất gây dị ứng mà do lượng đường cao gây ra.

Chẳng hạn, 100g vải sẽ chứa 15g đường carbohydrate, 100g mít chứa gần 20g đường carbohydrate. Một ngày, nhu cầu của mỗi người thường ở mức 20-30g carbohydrate. Vì vậy, chỉ ăn 100-200g mít hoặc vải đã chiếm một tỷ lệ rất lớn trong nhu cầu đó.

“Ăn cùng lúc một lượng đường lớn từ hoa quả sẽ làm chuyển hóa ở trong cơ thể tăng lên đột ngột. Lượng đường trong máu tăng là môi trường rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn (liên cầu, tụ cầu) trên da phát triển. Vì vậy, khi ăn nhiều quả ngọt, bạn có thể cảm thấy ngứa và bị mụn nhọt.

Khi bị nổi mụn, nên ăn nhiều rau xanh, chọn quả ít ngọt, uống nhiều nước, có thể làm giảm mụn. Nếu tình trạng mụn không giảm, cần đi khám bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách", bác sĩ Hảo nhận định.

Vì vậy, với bất kỳ loại hoa quả nào, chúng ta cũng chỉ nên ăn một lượng vừa phải. Người trưởng thành nên ăn khoảng 300-400g rau xanh và quả chín trong một ngày. Nên ăn đa dạng các loại hoa quả để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

"Chúng ta không cần kiêng khem hay lo lắng quá nhiều vì có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Một số loại quả ít ngọt, có tính chất nhuận tràng, người dân có thể chọn mua như thanh long, cam, quýt, chuối, đu đủ, lê, bưởi...", BS hảo khuyến cáo.

Theo BS Hảo, người dân thường có thói quen đặt một đĩa trái cây lớn trên bàn để ăn thoải mái. Điều này dẫn đến ăn không kiểm soát, nạp quá nhiều đường một lúc. Thay vào đó, bạn nên chuẩn bị phần hoa quả vừa đủ cho mỗi người (4-5 quả vải hoặc nho/người), ăn hết sẽ không lấy thêm.

Ngoài ra, người dân cũng có thể áp dụng cách dùng hoa quả tươi ngâm vào ly nước lọc mát để làm trà. Cách làm này giúp lượng đường trong quả được hòa tan cùng nước. Bạn có thể uống nước và thưởng thức cả hoa quả.

Cách ăn mùa hè tốt cho sức khỏe

“Nếu được bổ sung các loại thực phẩm theo mùa, cơ thể sẽ thích nghi tốt hơn với những thay đổi của khí hậu, thời tiết và ngăn ngừa bệnh tật. Những thực phẩm “mùa nào thức nấy” sẽ tốt cho sức khỏe hơn loại thực phẩm trái mùa.

Cây phát triển nhanh vào mùa hè. Các hoạt động cũng diễn ra mạnh mẽ, khí và máu của cơ thể trở nên lưu thông hơn so với các mùa khác.

Theo thuyết ngũ hành, tim hoạt động quá mức sẽ hạn chế hoạt động của phổi, nên ăn nhiều thức ăn có vị cay nồng và giảm bớt vị đắng, điều này giúp tăng cường chức năng phổi và duy trì cơ chế tiết mồ hôi bình thường vào mùa hè. Mồ hôi ra nhiều làm tán xạ tâm khí, suy nhược tinh thần gây ra các triệu chứng như dễ bực bội, tinh thần thấp, trằn trọc, khó ngủ. Thực phẩm có vị chua và mặn giúp làm dịu các triệu chứng này.

Một số thực phẩm được khuyên dùng để giữ cho cơ thể thanh mát và cân bằng như mướp đắng, dưa hấu, dâu tây, cà chua, đậu xanh, dưa leo, bầu sáp, củ sen, hạt sen, giá đỗ, thịt vịt, cá.

Chế độ ăn hằng ngày nên có nhiều rau và trái cây hơn để kích thích sự thèm ăn và cung cấp đầy đủ chất lỏng. Thức ăn được nấu chín và ấm đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm sống và đông lạnh có thể làm hỏng hệ tiêu hóa và dẫn đến ăn không ngon, tiêu chảy hoặc đau dạ dày” – Lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội đông y Hải Phòng khuyên.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP