Y học và đời sống

Trà thuốc phòng chữa cảm mạo

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Với các loại rau củ quả có sẵn trong nhà hoặc một vài vị thuốc dễ kiếm là có thể chế ra các loại trà uống độc đáo có tác dụng phòng và chữa bệnh cảm mạo hiệu quả.

Trong y học cổ truyền, cảm mạo thuộc phạm vi “thời khí bệnh”, được quan niệm là do ngoại cảm lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, nhiệt) xâm nhập vào cơ thể gây nên. Để phòng chống chứng bệnh này, ngoài các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt…, y học cổ truyền có một cách rất độc đáo là sử dụng trà dược từ các vị thuốc đơn giản.

Trà gừng: Gừng tươi 10g, đường đỏ 15g. Gừng rửa sạch thái chỉ rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín sau chừng 10 phút là dùng được, chế thêm đường đỏ, uống nóng, sau đó trùm chăn cho ra mồ hôi. Công dụng: sơ phong tán hàn, hòa vị kiện trung. Bài này dùng rất tốt cho người bị cảm mạo thể “phong hàn” với biểu hiện sốt nhẹ, sợ lạnh nhiều, không có mồ hôi, đau đầu, đau mình mẩy, đau nhức các cơ khớp, tắc mũi nặng, chảy nước mũi trong, ngứa họng, ho, khạc đờm trắng loãng, không khát nước hoặc khát nhưng thích uống nước ấm nóng, rêu lưỡi trắng ướt, mạch phù...

Trà mùi + gừng: Rau mùi 15g, hành tươi 15 nhánh, gừng tươi 9g. Ba thứ rửa sạch, thái nhỏ, sắc trong 10 phút rồi bỏ bã, uống nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi. Công dụng: phát biểu tán hàn dùng tốt cho thể  bệnh “phong hàn”.

Trà gừng + cà rốt: Gừng tươi 25g, cà rốt 50g. Gừng tươi thái chỉ, cả rốt cắt miếng, hai thứ đem sắc trong 15 phút, lấy nước, chế thêm đường đỏ, uống nóng. Công dụng: khu phong, tán hàn, giải biểu tốt cho người bị bệnh thể “phong hàn”.

Trà kim ngân + sơn tra:  Kim ngân hoa 30g, sơn tra 10g, mật ong 250g. Sắc kỹ kim ngân hoa với sơn tra 2 lần lấy nước bỏ bã, sau đó cho mật ong vào quấy đều, chia uống vài lần tùy thích. Công dụng: Tân lương giải biểu, thanh nhiệt giải độc. Dùng tốt cho người bị cảm mạo thể “phong nhiệt” với biểu hiện: sốt cao, hơi sợ gió và lạnh, có mồ hôi, đau đầu, đau mình mẩy, ho, khác đờm dính hoặc vàng, họng đau, mũi tắc, chảy nước mũi vàng hôi, miệng khát muốn uống, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch phù sắc...

Nước ép dưa hấu + cà chua: Dưa hấu và cà chua lượng vừa đủ. Dưa hấu gọt vỏ, ép lấy nước. Cà chua luộc qua, bóc bỏ vỏ, nghiền nát rồi đổ nước dưa hấu vào, quấy đều rồi chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, sinh tân, tốt cho người bệnh thể “phong nhiệt”.

Rau cải bẹ + lô căn: Rau cải bẹ 3 cây, hành củ cả rễ 2 củ, lô căn 10g. Ba thứ rửa sạch, sắc trong 10 phút, lấy nước uống. Công dụng: tân tán giải biểu, thanh nhiệt trừ thấp, tốt cho người bệnh thể “phong nhiệt”.

Hương nhu + bạch biển đậu: Hương nhu 10g, hậu phác 5g, bạch biển đậu 5g, đường phèn vừa đủ. Ba vị thuốc tán vụn, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 30 phút thì dùng được, chế thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày. Công dụng: phát hãn giải biểu, hóa thấp, hòa trung.

Bài này dùng tốt cho người cảm mạo thể “thử hư” với biểu hiện: phát sốt, hơi sợ gió và lạnh, mồ hôi ít, tay chân mình mẩy nặng nề đau nhức, đầu nặng đau, chảy nước mũi đặc, tâm phiền, miệng khát, uống nước nhưng không uống nhiều, ngực bụng rộn rạo không yên, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi mỏng vàng và dính, mạch nhu sắc.

Trà diệp bạc hà: Trà diệp 6g, châu lan 3g, bạc hà 3g. Ba thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín sau chừng 5 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: lý khí hóa thấp, thanh lợi đầu mục, dùng tốt cho người cảm mạo thể “thử hư”.

Gừng + đại táo: hoàng kỳ 15g, đại táo 15g, gừng tươi 3 lát. Ba thứ thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: ích khí bổ hư, giải biểu tán hàn dùng tốt cho người bệnh cảm mạo có biểu hiện: phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, tự vã mồ hôi, ho, khạc đờm trắng, khó thở, hồi hộp trống ngực, mệt nhiều, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch phù vô lực.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện TWQĐ 108)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP