Những ngày gần đây, sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở Nam Phi đã mang lại cho thế giới nhiều nỗi lo về một làn sóng Covid-19 mới.
Thực hiện giám sát tình hình biến chủng SARS-CoV-2 gây dịch trên địa bàn TPHCM, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiến hành giám sát chủ động các biến chủng của SARS-CoV-2 từ đầu mùa dịch đến nay, hiện nay tập trung giám sát biến chủng Omicron.
Sự phối hợp này đã đạt rất nhiều hiệu quả trong việc giám sát gene của chủng virus gây ra bệnh Covid-19 từ khi bệnh xuất hiện từ cuối năm 2020 đến nay.
Nhiều biến chủng quan ngại (VOC) bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta của SARS-CoV-2 được phát hiện trên thế giới, gây ra nhiều thách thức cho chương trình phòng chống đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Đặc điểm chung của các VOC là mang các đột biến, đặc biệt là trên protein gai (Spike protein), cho phép virus có khả năng lây nhanh hơn, giảm tác dụng của văcxin, thậm chí có độc lực cao hơn.
Trong số này phải kể đến biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2020 ở Ấn Độ, nay đã lây lan toàn cầu và đang gây ra làn sóng Covid-19 hiện hữu ở khắp Châu Âu và các nước trên thế giới, kể cả các nước có độ che phủ văcxin cao như ở Anh và Mỹ.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ giữa năm 2021 đến nay trên địa bàn TPHCM được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các chùm ca bệnh không rõ nguồn lây do hai biến chủng Delta (chùm ca bệnh liên quan chung cư Sunview), chủng Alpha (bánh canh O Thanh Quận 3) vào tuần thứ 3 của tháng 5.
Tiếp theo là chùm ca bệnh liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng xảy ra vào những ngày cuối tháng 5/2021 do chủng Delta gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và OUCRU đã tiến hành giải mã nhanh xác định biến chủng gây SARS-CoV-2 từ các ca bệnh nới trên trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi ca bệnh được ghi nhận.