Y học và đời sống

TPHCM: Tiêm mũi nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi còn yếu

Theo BSCK 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, những cơ sở tiêm chủng không đủ điều kiện cần phải ngưng hoạt động ngay. Phải nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng mũi DPT4.

Tiêm ngừa cho trẻ nhỏ ở TPHCM.

Đó là chỉ đạo của BSCK 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tại buổi giao ban y tế dự phòng do Sở Y tế TPHCM tổ chức chiều ngày 8/12.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 11 tháng qua, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, zika đều giảm. Bệnh quai bị tăng 6% (24 ca), bệnh thủy đậu tăng 45% (143 ca), bệnh ho gà tăng 50% (7 ca) so với cùng kỳ.

Trẻ em không được tiêm ngừa đầy đủ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nặng.

Trong 14 ca mắc ho gà có 9 ca bị  bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng, 2 ca bị bệnh sau khi tiêm chủng mũi 1 đúng lịch, 1 ca bị bệnh sau khi tiêm chủng mũi 1 trễ lịch 3 tháng và 2 ca không tiêm chủng.

Ước tính so với chỉ tiêu đề ra trong năm, chương trình tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 100%, tiêm chủng mở rộng cho trẻ 18 tháng giảm 5%; riêng số trẻ được tiêm mũi DPT4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) lúc 18 tháng chỉ đạt 62% (chỉ tiêu đề ra là 80%).

Theo BSCK 2 Nguyễn Hữu Hưng, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng vẫn duy trì được kết quả nhiều năm, việc tiêm mũi nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi đang là điểm yếu.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố phải đề xuất với Sở Y tế để có biện pháp thích hợp nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm mũi nhắc DPT4 (18 tháng tuổi).

Thủy Nguyễn

BẢN DESKTOP