Hiện nay, ngoài Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện thứ hai trực thuộc Sở Y tế TPHCM làm chủ kỹ thuật ghép thận.
Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận thành công tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. |
Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đây là ca ghép thận cực khó vì bệnh nhân nam (63 tuổi, quận 8) bị thận mạn giai đoạn cuối đã được chạy thận nhân tạo định kỳ 3 lần/tuần gần 1,5 năm nay tại Khoa Thận - Lọc máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân lại mắc kèm với hàng loạt bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh 3 nhánh mạch vành, rối loạn lipid máu, phình giáp đa hạt, sỏi túi mật.
Trước ghép, bệnh nhân đã phải tiến hành cắt túi mật phòng ngừa nhiễm trùng sau ghép, được can thiệp đặt 2 stent mạch vành trước ghép 3 tháng, song song việc điều chỉnh ổn định các thông số sinh hóa máu cũng như nâng đỡ tổng trạng cơ thể.
Phẫu thuật ghép được phối hợp chặt chẽ giữa các êkíp hồi sức gây mê, các chuyên khoa nội theo dõi hậu ghép và chuyên khoa ngoại của cả hai Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện T.Ư Huế. Tổng thời gian phẫu thuật gồm lấy và ghép thận kéo dài khoảng 4 giờ 30 phút. Ngay sau kết nối mạch máu thận ghép với mạch máu người nhận, bệnh nhân đã bắt đầu đi tiểu.
Từ ngày thứ 5 sau ghép đến nay, chức năng thận ghép bệnh nhân rất tốt và đã hoàn toàn ổn định. Bệnh nhân tự tiểu bình thường, khỏe, ăn ngủ ngon hơn, chức năng thận trở về giới hạn bình thường với độ lọc cầu thận ước tính khoảng 90ml/phút và các thông số khác cũng đều trong giới hạn bình thường. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Với vai trò Chủ tịch Hội Vận động Ghép tạng, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn sau bước tiến ban đầu này, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có thể phát triển các kỹ thuật ghép tạng từ người chết não, làm chủ thêm các kỹ thuật ghép tim, phổi để giúp nhiều bệnh nhân có thêm cơ hội kéo dài sự sống khi mắc bệnh hiểm nghèo.