Dinh dưỡng

TPHCM: Nhiều mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng chưa được cấp phép?

  • Tác giả : Thúy Nga
Chợ an toàn thực phẩm là mắt xích quan trọng đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Nhiều mô hình đã được xây dựng nhưng tất cả đều không được cấp phép? Tại sao?

44 chợ truyền thống triển khai xây dựng mô hình nhưng chưa được cấp phép

Chợ thực phẩm an toàn là một mắt xích quan trọng góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm của chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn cho người dân. Từ năm 2017, Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định phê duyệt “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm và công bố hợp chuẩn Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017”, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại việc triển khai mô hình này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để đáp ứng được các tiêu chí đánh giá theo Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 11856:2017.

Tọa đàm triển khai mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và việc công bố hợp chuẩn Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017”.

Tọa đàm triển khai mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và việc công bố hợp chuẩn Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017”.

Để tập hợp ý kiến nhằm đánh giá đúng thực trạng triển khai mô hình Chợ an toàn thực phẩm, từ đó từng bước hoàn thiện chính sách, nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm, ngày 19/10/2023 Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi Tọa đàm triển khai mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và việc công bố hợp chuẩn Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017”.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, bà Phạm Khánh Phong Lan, - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có 3 tiêu chí cơ bản để đạt chuẩn “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm theo TCVN 11856:2017” là cơ sở vật chất đảm bảo sạch sẽ, con người đã được tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm và việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm không rõ nguồn gốc không vào được chợ.

Thế nhưng tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn Thành phố đã có 44 chợ truyền thống triển khai xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng chưa có chợ nào được cấp giấy.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm

Báo cáo kết quả triển khai xây dựng Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Đại Ngọc – Phó Trường phòng Quản lý chất lượng Ban quản lý an toàn thực phẩm cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 233 chợ đang hoạt động trong đó có 3 chợ đầu mối; 44 chợ truyền thống triển khai xây dựng “Mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Kết quả có 2 chợ cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chí đánh giá theo Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 11856:2017 đang hoàn thiện hồ sơ công bố chợ hợp chuẩn và gửi về Chi cục Tiêu Chuẩn đo lường chất lượng Thành phố theo quy định nhưng chưa được cấp giấy.

Theo Ông Ngọc, phần lớn các chợ không đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thực phẩm kinh doanh, nếu chúng ta không thay đổi nhận thức của người dân thì công tác quản lý an toàn thực phẩm sẽ ngày càng khó khăn nên công tác cập nhật, cung cấp kiến thức là một giải pháp.

Theo Bà Lê Thị Hoàng Oanh – Phó phòng kinh tế Quận Tân Bình thì tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 11856:2017 là quá cao so với hiện trạng, trong khi tìm nguồn kinh phí cải tạo chợ là rất khó khăn vì tiểu thương bên trong chợ mãi lực kém, không chịu đóng góp trong khi mãi lực bên ngoài chợ cao nhưng không thuộc phạm vi quản lý của chợ; đồng thời cũng đề nghị Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói rõ về hồ sơ công bố hợp chuẩn của chợ Phạm Văn Hai.

Ông Đỗ Đức Tiến Phó trưởng ban quản lý chợ Bình Thới cũng cho rằng các tiêu chí về khoảng cách gian hàng, phân khu không phù hợp với điều kiện thực tế chợ.

Theo Ông Châu Kiến Quang,Trưởng phòng kinh tế Quận 11: chợ Bình Thới đã sử dụng phần mềm để kiểm soát đầu vào giúp cho việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm dễ dàng hơn nhưng chưa có sự công bằng giữa tiểu thương trong chợ và ngoài chợ nên việc đóng góp sửa chữa chợ không được ủng hộ.

Cần quan tâm cho chợ truyền thống bởi vì hiện nay không có kinh phí cho sửa chữa mà xã hội hóa thì cũng không được. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp chế tài để không còn tình trạng bất cập là bên trong chợ phải có giấy phép, bên ngoài chợ thì không.

Tọa đàm triển khai mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và việc công bố hợp chuẩn Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017”.Tọa đàm triển khai mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và việc công bố hợp chuẩn Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017”.

Nhiều vướng mắc khi công bố hợp chuẩn

Trả lời về Hồ sơ công bố hợp chuẩn Chợ Phạm Văn Hai - Ông Trần Văn Tuấn cho biết tất cả các thủ tục, quy trình tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đều đã được Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu Ủy Ban nhân dân thành phố ký quyết định ban hành.

Tuy nhiên theo Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Chợ thuộc nhóm dịch vụ là đối tượng của công bố hợp chuẩn theo tiêu chuẩn TCVN 11856:2017.

Công bố hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện.

- Việc công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên:

+ Kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện (bên thứ 3) hoặc;

+ Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.

Về mặt hồ sơ chợ Phạm Văn Hai vướng mắc như sau:

1. Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn của tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba): Chợ Phạm Văn Hai không có “Kết quả chứng nhận hợp chuẩn” do tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba).

2. Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất): chợ Phạm Văn Hai không có “Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng”.

Đây là thành phần hồ sơ cần phải có thì việc cấp giấy mới thực hiện được.

Đối với Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng trong Thông tư 28/2012/TT-BKHCN có quy định nhưng trong Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 11856:2017 không có quy định, Sở Khoa học công nghệ đang nghiên cứu tháo gỡ.

Đoàn kiểm tra thực tế tại Chợ Đầu mối Bình Điền (Quận 8)Đoàn kiểm tra thực tế tại Chợ Đầu mối Bình Điền (Quận 8)

Theo Bà Phạm Khánh Phong Lan “dịch vụ không phải là sản phẩm, làm sao kiểm nghiệm?” Nên giải quyết vấn đề kiểm nghiệm để chợ công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), bởi vì cuối cùng chợ cũng là đơn vị chịu trách nhiệm và cũng nên tăng cường tính chịu trách nhiệm của chợ, còn chức năng giám sát là của cơ quan quản lý nhà nước.

Xây dựng mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” không những xây dựng trên thực tế mà phải có giấy chứng nhận, được công nhận của các cơ quan chức năng thì mới đạt. Tóm lại, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí sửa chữa chợ, Ban quản lý sẽ có báo cáo riêng vấn đề này cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và gửi các Sở, Ban, ngành liên quan. Vấn đề sẽ dễ dàng hơn nếu có sự chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến các Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Khép lại buổi tọa đàm, Bà Phạm Khánh Phong Lan ghi nhận ý kiến của các đơn vị quản lý chợ, đồng thời sẽ sớm có phương án giải quyết các vướng mắc hiện nay.

Từ 01/01/2024 Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thành lập, lúc đó Sở An toàn thực phẩm sẽ làm việc với 24 quận huyện và thành phố Thủ Đức, vấn đề kinh phí sẽ được nhắc lại với lãnh đạo các quận, huyện để tăng cường cho 3 công tác sau:

Công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về an toàn thực phẩm.

Chi phí lấy mẫu, kiểm nghiệm và thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Sửa chữa nâng cấp các chợ với nguồn kinh phí trong khả năng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP