Địa ốc

TPHCM muốn đột phá trong quy hoạch và phát triển hạ tầng

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Từ nhiều năm trước, TPHCM đã triển khai quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc - Nam, đường vành đai, các tuyến metro và đường trên cao, các khu đô thị mới được đầu tư xây dựng…

Quy hoạch đi trước

Đến thời điểm hiện tại, TPHCM đã có hàng trăm cây cầu và hàng nghìn km đường giao thông được đưa vào khai thác hiệu quả. Điển hình như các dự án: Đại lộ Nguyễn Văn Linh; Đại lộ Đông Tây; Đại lộ Phạm Văn Đồng...

Sang năm 2020, thành phố đã có những bước đi đẩy nhanh chiến lược phát triển đô thị. Đầu năm 2020, Sở Nội vụ TPHCM gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM trên cơ sở hợp nhất 3 quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Sở Nội vụ TPHCM cho biết, việc thành lập Thành phố phía Đông sẽ được UBND Thành phố thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Dự kiến, Thành phố phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5km2, dân số hơn 1,1 triệu người. Thành phố phía Đông - Đô thị sáng tạo là ý tưởng nung nấu của TPHCM trong nhiều năm qua. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đô thị sáng tạo là cấu trúc giúp mọi người sinh sống tại đó có thể làm việc tốt hơn, sáng tạo hơn và là động lực phát triển kinh tế của khu vực.

Từ cuối năm 2019 trở lại đây, ngành giao thông TPHCM đã thể hiện rõ sự chuyển mình. Chỉ trong quý 1 vừa qua, bên cạnh việc triển khai thi công 70 gói thầu thuộc 35 dự án chuyển tiếp từ những năm trước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban QLDA) đã khởi công 10 dự án mới, bao gồm: xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (thuộc dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2); xây dựng hệ thống hầm, cầu trước khu vực Bến xe Miền Đông mới; xây cầu thép An Phú Đông và nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2)...

Đại lộ Đông Tây, một công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tạo đột phá cho TPHCM.

Đại lộ Đông Tây, một công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tạo đột phá cho TPHCM.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ hoàn thành 3 dự án lớn bao gồm: Hoàn thành nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 vào cuối tháng 6, giúp thông luồng tuyến tới độ sâu 9m, tạo điều kiện cho các loại tàu hơn 50 tấn thông qua và là tiền đề phát triển giao thông thủy của TPHCM.

Sau đó 1 tháng, dự kiến nhánh hầm còn lại của dự án nút giao An Sương sẽ hoàn thiện, tạo thành nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc. Tới tháng 10/2020, cầu An Phú Đông thay thế Bến phà An Phú Đông cũng sẽ “về đích”, xóa cảnh qua sông lụy đò suốt bao năm qua của người dân 2 quận Gò Vấp và quận 12.

“Ngoài 3 dự án nêu trên, Ban QLDA đang chuẩn bị kỹ hồ sơ các công trình trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài, chùm dự án giải quyết 2 điểm nóng giao thông khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái... để trình HĐND TPHCM trong kỳ họp sắp tới. Năm 2020 sẽ là bàn đạp để các dự án giao thông chính thức vào guồng trong giai đoạn sau” - ông Phúc nhấn mạnh.

Loạt dự án lớn về đích

Theo lộ trình mà Ban QLDA đã xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025 được coi là thời kỳ của hạ tầng giao thông khi một loạt dự án lớn có hẹn khởi công và về đích. Trong đó, phải kể đến tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên).

Đến nay, khối lượng toàn dự án đã đạt 72%. Dự kiến trong năm nay, các hạng mục tiếp theo như lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến sẽ được hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ người dân vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cùng các sở, ngành cũng đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc để tiến hành khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) theo đúng tiến độ vào tháng 10/2020.

Ông Lương Minh Phúc đánh giá hệ thống giao thông công cộng chính là lời giải mấu chốt cho bài toán giao thông của TPHCM. Do đó, bên cạnh hệ thống metro, 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ của đơn vị này đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng được 6 tuyến buýt nhanh BRT và phát triển hoạt động của mạng lưới 150 tuyến xe buýt truyền thống. Các tuyến buýt BRT đã được nghiên cứu cho phù hợp với đặc điểm giao thông, đô thị của TPHCM trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tuyến BRT của Hà Nội. Tuyến số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) dự kiến có thể được triển khai ngay trong năm sau.

Từ thực tế, quy hoạch đã có, nhiệm vụ đặt ra lớn, song hầu hết các dự án giao thông của TPHCM hiện nay đều vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng và vốn.

Do đó, Ban QLDA đã phân mục những dự án mang tính thật sự cấp bách, có tác động lớn để ưu tiên triển khai đầu tiên. Theo ông Phúc, những dự án nằm trong nhóm ưu tiên bao gồm khép kín 14km đường Vành đai 2. Dự án sẽ được trình HĐND TP thông qua chủ trương vào kỳ họp giữa năm sắp tới, lập dự án, đấu thầu, triển khai giải phóng mặt bằng... trong năm 2021, hoàn thành năm 2024.

Cùng với đó, cụm 10 dự án thành phần giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chùm dự án giảm tải khu vực Cát Lái và các dự án mở rộng cửa ngõ như QL50, QL22 cũng sẽ bắt đầu khởi công từ khoảng quý 2 - 3/2021. Đồng thời, các công trình mở rộng, xây mới cầu, đường giải quyết giao thông trục Bắc - Nam như cầu Nguyễn Khoái, cầu Bình Tiên, cầu Phú Định cũng sẽ khởi công ngay trong năm sau.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA cho biết: “Đây đều là những dự án rất cấp bách, có ý nghĩa quan trọng và không thể chậm trễ thêm được nữa. Ban cùng các sở, ngành quyết tâm dồn lực, hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm này trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Chắc chắn 5 năm tới, tình hình giao thông TPHCM sẽ thay đổi, cải thiện rất nhiều”.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP