Giáo dục

TPHCM: Học sinh hào hứng dự thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố

  • Tác giả : Bạch Dương
(khoahocdoisong.vn) - Vòng chung kết cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2019-2020 đã diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với 52 đề tài xuất sắc
Nhiều đề tài có tính thực tiễn cao

Nhiều đề tài có tính thực tiễn cao

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2019 - 2020 thành phố có 187 đơn vị tham gia trong đó có 60 trường THPT và 127 trường THCS với 786 đề tài tăng 200 đề tài so với năm học 2019 - 2020. Sau 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, ban tổ chức đã chọn được 52 đề tài tham dự phòng thi vòng chung kết cấp thành phố.

Vòng chung kết sẽ tiến hành chấm và chọn ra 4 dự án tốt nhất để tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2019 - 2020 do Bộ GD&ĐT tạo tổ chức.
Những đề tài lọt vào vòng chung kết cấp thành phố năm nay đều có sự đầu tư công phu, có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, bám sát đời sống thực tiễn; tính nhân văn...

Cụ thể như đề tài Thiết bị quan trắc và lọc bụi siêu mịn trong không khí; Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật bằng đầu hoặc cổ  tay; Hệ thống giám sát ngập nước thông minh: Cảnh báo và chống nước ngập cục bộ theo thời gian thực; Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM; Ứng dụng công nghệ AI để thiết kế thùng rác thông minh có khả năng tự phân loại rác thải; Sa bàn đến trường dành cho học sinh khiếm thị ở mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa;... hay dự án Nghiên cứu và chế tạo cồn khô từ dầu ăn thải...

Đề tài mô hình phân loại rác

Đề tài mô hình phân loại rác

Điều đáng ghi nhận ở các đề tài nghiên cứu là đa số đều xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn. Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật;

Có mặt tại vòng chung kết, đôi bạn Ngô Đại Quý, Trần Hoàng Nam cùng là học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Giàu cho chia sẻ, từ việc hằng ngày các em đi qua những kênh, rạch thấy rác thải nhiều và việc thu gom vẫn đang rất thủ công nên nghĩ đến đề tài: Trash Extractor-Robot xử lý rác thải trên mặt sông.

Các em đã vận dụng những kiến thức đã học về Vật lý, Toán học, Tin học... để làm nên robot có thể thu gom rác điều khiển bằng app thông qua điện thoại thông minh. Trong một giờ hoạt động liên tục robot có thể thu gom khoảng 50kg rác trên mặt sông, rạch, kênh. Các em đã thử nghiệm Robot tại kênh Rạch Lăng gần ngôi trường đang theo học.

Được biết, từ nhiều năm qua, cuộc thi đã kích thích sự sáng tạo trong học sinh; phát triển năng lực tự học; giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học; giúp học sinh rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Cuộc thi cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, cuộc thi góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường…

Bạch Dương

BẢN DESKTOP