KINH TẾ

TPHCM "đau đầu" với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp cùng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM vừa tiến hành kiểm tra đột xuất 30 sạp hàng tại chợ Bến Thành và trung tâm thương mại Sài Gòn Square, thu giữ hơn 1000 sản phẩm túi xách, đồng hồ, tơ lụa có dấu hiệu hàng lậu, hàng giả.

Mức độ vi phạm liên tục tăng

Các sản phẩm trên "nhái" các thương hiệu nổi tiếng như: Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel...Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh.

Theo đại diện QLTT TPHCM, chợ Bến Thành và Sài Gòn Square là nơi có lượng hàng hóa có dấu hiệu hàng lậu hàng giả lớn và tồn tại nhiều năm. QLTT TPHCM đã nhiều lần kiểm tra và xử lý nhưng vì lợi nhuận cao nên các tiểu thương vẫn bất chấp để kinh doanh.

Thực tế, một số trang web chuyên kinh doanh hàng trực tuyến như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn… rao bán khá nhiều sản phẩm với thương hiệu nổi tiếng (Hermès, Chanel, Dior, Calvin Klein) với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng/sản phẩm. Cụ thể, chiếc bóp nam Prada trên Lazada.vn có giá 11,6 triệu đồng/chiếc, bóp Louis Vuitton nữ cầm tay giá 11,07 triệu đồng/chiếc, túi xách Hermès Birkin da cá sấu bạch tạng 10,5 triệu đồng/chiếc, một số túi Hermès khác dao động từ 22 - 25 triệu đồng/chiếc…Các sản phẩm đều mang thương hiệu nổi tiếng nhưng người bán lại không cam kết đó hàng chính hãng.

Anh T.V.H (ngụ ở quận 3,TPHCM), kinh doanh trực tuyến tại một sàn thương mại điện tử cho biết: “Mua một chỗ kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử khá dễ dàng. Các yêu cầu cam kết không bán hàng giả, hàng nhái chỉ mang tính thủ tục, nên vi phạm diễn ra thường xuyên. Nếu khách phản ánh thì người bán bị sàn giao dịch nhắc nhở, còn khách không phản ánh thì thôi”.

Nhiều trang web kinh doanh trên mạng đang cung cấp lượng hàng rất lớn cho người tiêu dùng từ Bắc vào Nam, thế nhưng câu chuyện  làm sao để giám sát chất lượng hàng hóa, truy thu thuế… vẫn là dấu hỏi lớn.

Tăng cường chế tài xử phạt

Chính quyền TPHCM đã chỉ đạo các lực lượng chức năng như Cục QLTT, Cục Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng cùng các quận huyện, sở ngành có liên quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Xử lý những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn…các đối tượng rất tinh vi liên tục thay đổi hành vi, thủ đoạn gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Cụ thể, gần đây xuất hiện thêm hình thức: Thương mại điện tử, kinh doanh online, live stream bán hàng... Đó là với các trang web bán hàng lớn, ngoài ra còn có các trang web, trang cá nhân như facebook hay zalo…bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà không đăng ký với cơ quan chức năng. Lực lượng QLTT cũng như các cơ quan chức năng đã kiểm tra xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là chưa phản ánh hết thực tế bởi hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan và ở mọi lĩnh vực, số vụ vi phạm lớn hơn nhiều.

Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là trong công tác này, chưa quyết liệt thực hiện. Đồng thời, hàng giả, hàng nhái được chính người tiêu dùng và doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả bỏ qua, coi như không biết. Trong khi các chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận do việc gian lận thương mại mang lại.

Đại diện Cục QLTT TPHCM cho biết, có nhiều người biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, nhiều doanh nghiệp biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng không dám đấu tranh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Từ thực tế đó, cơ quan QLTT kiến nghị Chính phủ có thêm những quy định cần thiết, tăng chế tài xử phạt, sửa đổi hợp lý một số yêu cầu đối với lực lượng chức năng. Đồng thời, kiến nghị xét xử sở hữu trí tuệ cần được chuyên nghiệp hóa ở một số tòa án, một số thẩm phán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng, doanh nghiệp mạnh dạn tố cáo các vi phạm để cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ông Hà Trung Cang – lãnh đạo Cục QLTT TPHCM cho biết: "Trong năm 2019, Cục tổ chức kiểm tra chuyên ngành 7.432 vụ cùng với hơn 75.000 vụ kiểm tra liên ngành. Trong đó có 4.786 vụ vi phạm (tăng 46,58%). Tổng trị giá hàng hoá tiêu hủy hơn 46 tỷ đồng, số tiền phạt nộp ngân sách gần 114 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã chuyển cơ quan điều tra 18 vụ. Đặc biệt trong năm 2019 Cục Quản lý thị trường TP cũng đã xử lý 76 vụ gian lận thương mại điện tử. Các hàng hoá gian lận thương mại, hàng nhái, điển hình là các mặt hàng thời trang, giày dép, túi xách, đồng hồ, quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, bột ngọt…"

Hữu Thông

BẢN DESKTOP