Môi trường

TPHCM: Chậm công bố ô nhiễm không khí do quan trắc thủ công

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 9/10, sau gần một tháng xảy ra hiện tượng mù quang hóa do ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã chính thức thông tin đến báo chí về tình hình chất lượng môi trường trên địa bàn TP.

Tại buổi họp báo, ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy: Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Kết quả quan trắc trong thời gian diễn ra mù quang hóa từ ngày 3/9 đến 20/9 vừa qua cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5). Đặc biệt ngày 20/9 mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: Bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao.

Mù quang hóa là hiện tượng tự nhiên, diễn ra là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TPHCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.

Tuy nhiên, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu từ 3 loại nguồn chính là hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ôtô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống. Thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, với khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến đông đảo người dân đô thị. 

Toàn cảnh buổi họp báo công bố về tình hình chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM

Toàn cảnh buổi họp báo công bố về tình hình chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM

Trả lời báo chí về lý do đến nay mới họp báo cung cấp thông tin, ông Cao Tung Sơn cho biết, hiện tượng mù quang hóa năm nay xảy ra sớm, thông thường là vào khoảng thời gian giao mùa (thu-đông; đông-xuân) từ tháng 10 đến tháng1 nên nằm ngoài dự đoán của Trung tâm.

Bên cạnh đó, cũng do hạn chế của trung tâm bởi vẫn phải quan trắc bằng biện pháp thủ công gián đoạn, cần có thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu... nên mất nhiều thời gian. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường. 

Về việc tải các ứng dụng, ông Sơn cho biết các thông tin từ ứng dụng này không chắc là đáng tin cậy. Bởi để đánh giá về độ chính xác của việc quan trắc bắt buộc phải có các thông tin về quy trình lấy mẫu, phương pháp đưa ra số liệu... 

Hữu Thông

BẢN DESKTOP