KINH TẾ

TPHCM bàn chuyện hiện thực hóa "giấc mơ" Trung tâm Tài chính Quốc tế

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm thực hiện để đưa TPHCM không chỉ trở thành trung tâm tài chính của cả nước mà còn là của khu vực và thế giới, vì lợi ích của thành phố và cả nước.

Quyết tâm, nhưng "đang dang dở"

Tuần trước, Hội thảo Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế được tổ chức, với sự tham dự của khá nhiều lãnh đạo thành phố này, trong đó có cả Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định TPHCM đủ điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này, nhưng cần phải hành động quyết liệt.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ năm 2001, tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TPHCM và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TP đã được thành lập. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường tài chính tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế TPHCM.

Hiện nay, ngành tài chính trên địa bàn tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỉ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Ngành Tài chính cũng giúp TPHCM huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội... Dù đạt những kết quả khá tích cực, nhưng thị trường tài chính TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, lực cản lớn nhất là thành phố chưa thể hình thành lên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân, và hơn 7 triệu khách quốc tế.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước, và từng bước trở thành trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á. Nội dung này tiếp tục được tái khẳng định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về thành phố năm 2012.

Năm 2006, UBND TPHCM đã giao cho Viện Kinh tế thành phố xây dựng đề án "Phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP đến năm 2010 và tầm nhìn 2020". Nhiều quyết định tiếp theo của lãnh đạo thành phố trong những năm sau đó tiếp tục đề cập, nhấn mạnh chủ trương phải xây dựng thành phố từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực... “Nhưng đến nay, mọi ý tưởng vẫn còn đang dang dở...” - TS Trần Du Lịch nói.

Vì vẫn... đang nghiên cứu

Trong ý kiến của mình, TS Vũ Thành Tự Anh từ Đại học Fulbright đặt vấn đề: Tại sao có quyết tâm, khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong nhiều năm nhưng đến giờ vẫn chưa thành công? Những yếu tố nào cản trở sự thành công của trung tâm tài chính thành phố?

Theo chuyên gia này, dù chỉ chiếm chưa tới 10% dân số cả nước nhưng TPHCM đóng góp tới 14% về xuất khẩu, 24% cả nước về GDP, 27% thu ngân sách, 28% về cho vay. TPHCM là nơi thu hút 1/3 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, có lúc chiếm tới 41% vốn ngoại vào Việt Nam... Điều này cho thấy vị thế của thành phố trong việc trở thành nền tảng, bệ đỡ của cả nước để trở thành trung tâm tài chính.

Từ đây, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh nội hàm của một trung tâm tài chính cả một không gian đô thị, hệ sinh thái tài chính chứ không chỉ là các tòa nhà. "Một trung tâm tài chính quốc tế phải hỗ trợ, thực hiện giao dịch tài chính xuyên biên giới, phải đạt chuẩn mực quốc tế và hội đủ 3 yếu tố: cung, cầu và sản phẩm. Cụ thể, đó là nơi có những công ty tài chính hàng đầu, nơi các doanh nghiệp có nhu cầu dịch vụ tài chính tìm tới và có các sản phẩm tài chính đa dạng" - TS Vũ Thành Tự Anh giải thích.

Tuy nhiên, hình hài của trung tâm tài chính TPHCM hiện chưa được định ra rõ nét, vì vẫn đang nghiên cứu. Nhưng thành phố chắc chắn cần tìm ra con đường, xu thế mới như đột phá về ứng dụng công nghệ để đi đầu trong một số lĩnh vực nhất định. Đột phá là tiến vào công nghệ tài chính, kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Đây là xu thế và tương lai của ngành tài chính. Với năng lực sẵn có về con người, chất xám của Việt Nam, chúng ta đủ cơ sở tiến vào lĩnh vực này. Điều chúng ta cần là chính sách hỗ trợ, thủ tục pháp lý, quy định điều tiết để vươn tới chuẩn mực kinh tế quốc tế.

"Trung tâm tài chính phải là một không gian đô thị, hệ sinh thái đáp ứng cung cầu dịch vụ khách hàng, có phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn ra khỏi quốc gia. Có rất nhiều hướng đi mà nhiệm vụ của thành phố là cần tìm ngách của thị trường, để từ đó phát huy thế mạnh đặc thù và nổi trội. Bởi nếu đi theo con đường truyền thống thì rất khó cạnh tranh với những trung tâm tài chính đã hoạt động nhiều năm" – TS Vũ Thành Tự Anh góp ý.

Theo Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam, việc tiến tới xã hội thanh toán điện tử là một trong những hạt nhân hình thành trung tâm tài chính. Bà Dung đề xuất một số giải pháp từ phía Nhà nước để thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số như thực hiện các chính sách hỗ trợ; xem xét loại bỏ trở ngại pháp lý cho doanh nghiệp chấp nhận thanh toán kỹ thuật số; bãi bỏ hợp lý rào cản pháp lý với thương mại xuyên biên giới; hợp tác với các công ty sáng tạo, các thành phố khác và các tổ chức nghiên cứu để đem lại công nghệ đột phá hỗ trợ thanh toán điện tử.

Còn Bí thư Thành ủy TPHCM – ông Nguyễn Thiện Nhân - nhấn mạnh mục tiêu đưa TP trở thành trung tâm tài chính của cả nước đã được quan tâm từ rất lâu. Và, việc xây dựng được một trung tâm tài chính không chỉ vì TPHCM, mà gắn liền với lợi ích cả nước. Với đề án Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, lãnh đạo TPHCM có thêm quyết tâm để thực hiện một cách chất lượng.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dự kiến tháng 10/2019 sẽ xong đề cương chi tiết, giải pháp phần mềm để báo cáo HĐND, Thành ủy, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bí thư Thành ủy TPHCM viện dẫn, “sau gần 10 năm thực hiện quyết liệt đề án chương trình phát triển toán học Việt Nam, vị thứ của ngành toán học đất nước đã tăng lên bậc 35 so với năm 2010. Chúng ta đi sau nhưng với trí tuệ của người Việt Nam, có thể tận dụng được cơ hội" - để bày tỏ tính khả thi trong việc đưa TPHCM trở thành Trung tâm tài chính.

"Thành phố đang triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nên trong năm nay, sẽ xin triển khai cơ chế đặc thù để làm trung tâm tài chính. Chúng tôi quyết tâm hình thành trung tâm tài chính của cả nước, vì cả nước. Nếu được thông qua, sẽ triển khai" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP