Nóng trên mạng

TPBVSK Phục Thần Đan: “Đánh đồng” triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật?

  • Tác giả : Hương Nguyên
Đánh đồng các triệu chứng trên là rối loạn thần kinh thực vật, hay bệnh trí não... mà tuỳ tiện sử dụng TPBVSK thì “lợi bất cập hại”, nguy hiểm sức khoẻ và tính mạng

Khoa học và Đời sống số 11 ra ngày 16/3/2023 có bài “TPBVSK Phục Thần Đan vẫn quảng cáo “vống”... bẫy khách hàng”. Theo đó, trên trang https://phucthandan.com quảng cáo: Phục Thần Đan là “vị thuốc cổ truyền cho bệnh rối loạn thần kinh thực vật”, bí quyết hỗ trợ phục hồi hệ thần kinh bị suy nhược, loại bỏ căng thẳng mệt mỏi…, cùng nhiều video dùng ý kiến người bệnh quảng cáo Phục Thần Đan là “thuốc trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật, trầm cảm sau sinh...”.

TPBVSK Phục Thần Đan được quảng cáo như thuốc gây hiểu lầm cho người bệnh.

TPBVSK Phục Thần Đan được quảng cáo như thuốc gây hiểu lầm cho người bệnh.

Về vấn đề liên quan tim mạch, thần kinh, trí não và khí huyết, trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Duy Huệ, Phòng khám nội tổng hợp BS Huệ (TP HCM), cho rằng khi kết luận bệnh của người đang có các triệu chứng mất ngủ, bồi hồi, toát mồ hôi, nhịp tim đập không đều, hay cáu gắt... phải căn cứ vào nhiều vấn đề như: độ tuổi, giới tính, tâm lý, hoàn cảnh gia đình.

Ví dụ, người nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh có những triệu chứng trên; Trong khoảng 55-60 tuổi nếu người có triệu chứng trên lại liên quan đến bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Tuy nhiên, hiện bệnh này lại đang có xu hướng trẻ hoá cao ở độ tuổi 20, 25. Người bị cao huyết áp, tiểu đường thì cũng có triệu chứng tim đập nhanh, tâm trạng hay bồn chồn, hồi hộp, lo âu.

Do đó, nếu đánh đồng các triệu chứng trên là rối loạn thần kinh thực vật, hay bệnh trí não... mà tuỳ tiện sử dụng TPBVSK thì “lợi bất cập hại”, nguy hiểm sức khoẻ và tính mạng. Người bệnh nên đi thăm khám để được bác sĩ chuyên môn chẩn đoán bệnh, có hướng điều trị chính xác nhất.

BSCKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa nội tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) từng cho biết, rối loạn thần kinh thực vật dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường. Có rất nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra rối loạn thần kinh thực vật, thường gặp nhất là đái tháo đường (đặc biệt đái tháo đường kiểm soát kém), bệnh Parkinson. Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh thoái hóa thần kinh (teo đa hệ thống…); rối loạn miễn dịch (bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp…), di truyền, tuổi già…

Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật là bao gồm điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh. Người có các triệu chứng trên tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có kiểm tra và thăm khám hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, dự phòng rối loạn thần kinh thực vật bằng cách suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục, có lối sống lành mạnh, sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý...

Hương Nguyên

BẢN DESKTOP