Doanh nghiệp

Toys ‘R’ Us và bài học kinh doanh xương máu

Toys ‘R’ Us – đế chế kinh doanh 70 năm tuổi đã chính thức khép lại – viết nên một bài học kinh doanh không thể đắt giá hơn.

Dù sở hữu lịch sử hình thành và phát triển hơn 50 năm cũng như từng một thời được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp đồ chơi Hoa Kỳ, song con đường kinh doanh tưởng chừng không có hồi kết của Toys ‘R’ Us đã phải khép lại, khi hãng đồ chơi này tuyên bố đóng cửa hoặc bán tất cả cửa hàng còn lại trên đất Mỹ.

Toys ‘R’ Us đóng cửa sau 70 năm hoạt động. Ảnh: Orlando Sentinel

Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 9/2017 thì vào ngày 15/3/2018 mới đây, Toys ‘R’ Us đã ra thông báo sẽ đóng cửa hoặc bán tất cả 735 cửa hàng còn lại của mình tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 30.000 nhân công đang làm việc cho hãng bán lẻ đồ chơi lâu đời này sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. Đáng buồn hơn, ít ngày sau khi xin phá sản thì Charles Lazarus – cha đẻ của Toys ‘R’ Us – cũng đã qua đời.

Quá khứ vàng son…

Đối với những ai chưa biết đến Toys ‘R’ Us, thì nó đã tồn tại 70 năm, kể từ khi được thành lập vào năm 1948 tại Washington D.C, bởi Charles Lazarus, với tiền thân là cửa hàng bán đồ dùng cho trẻ em – Children’s Bargain Town. Khi đó, Lazarus đã thấy trước việc những người lính Mỹ trở về sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II chắc chắn sẽ lập gia đình, cần phải có nơi để họ mua đồ dùng cho trẻ em.

Cha đẻ của Toys ‘R’ Us – Charles Lazarus – vừa qua đời ít lâu sau khi hãng đồ chơi tuyên bố bán hết hoặc đóng cửa toàn bộ cửa hàng. Ảnh: CNN Money

Lazarus còn nhận thức được rằng sản phẩm kinh doanh mang lại lợi nhuận nhiều nhất không phải giường, nôi hay cũi sắt mà chính là những món đồ chơi. Tuổi thọ của một món đồ chơi khá thấp, chúng dễ bị hỏng hóc và có thể thay phiên nhau trở nên thời thượng rồi lại thành lỗi thời, song có một điều chắc chắn: chúng luôn hiện diện trong cuộc sống của mọi trẻ em.

Toys ‘R’ Us đã được khai sinh từ logic ấy, và trở thành một trong những doanh nghiệp ăn nên làm ra nhất nền kinh tế Hoa Kỳ. Sau đợt phát hành cổ phiếu trước công chúng lần đầu vào năm 1978, Toys ‘R’ Us đã trở thành một trong những doanh nghiệp được ưa thích nhất của các nhà đầu tư Phố Wall.

Vào năm 1980, tờ Los Angeles Times đã gọi Toys ‘R’ Us là một trong những cổ phiếu hấp dẫn nhất trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Còn tờ Wall Street Journal thì từng một lần giật tít về Toys ‘R’ Us vào năm 1988 với nội dung như sau: “Toys ‘R’ Us – ông lớn trong khu vực – vẫn đang không ngừng tăng trưởng”. Thậm chí, tờ Washington Post còn xem Toys ‘R’ Us như một biểu tượng của nền kinh tế Mỹ, bên cạnh McDonald’s.

… tới gánh nợ khổng lồ từ LBO (Levaraged Buyout)

Đến đầu những năm 1990, Toys ‘R’ Us vẫn rất ăn nên làm ra với các sản phẩm đồ chơi của mình. Tuy nhiên, từ năm 1998, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Walmart quyết định đối đầu trực diện với Toys ‘R’ Us và đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường đồ chơi bán ra vào mùa lễ hội. Kết quả là, doanh số của Toys ‘R’ Us cứ thế giảm dần theo thời gian và vào khoảng năm 2005 thì Walmart đã vượt mặt Toys ‘R’ Us về số lượng đồ chơi bán ra thị trường.

Cổ phiếu của Toys ‘R’ Us rớt thê thảm cộng với một số khó khăn vào lúc đó đã khiến cho những lãnh đạo của thương hiệu đồ chơi ra quyết định bán công ty. Vào năm 2005, KKR, Vornado Realty Trust và Bain Capital đã mua lại Toys ‘R’ Us với giá khoảng 6,6 tỷ USD, giữa lúc hãng đồ chơi đang gánh khoản nợ gần 1 tỷ USD. Cộng cả hai lại, Toys ‘R’ Us khi đó được định giá toàn bộ là 7,5 tỷ USD.

Các nhà đầu tư đã đặt lên vai Toys ‘R’ Us gánh nợ 6,2 tỷ USD – tương đương 82,7% vốn đầu tư. Ảnh: LifeHacker: Two Cents

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý: các nhà đầu tư tới từ KKR, Vornado Realty Trust và Bain Capital không mua lại Toys ‘R’ Us bằng tiền của mình mà đã sử dụng hình thức “mua lại bằng nợ”, hay còn gọi là “mua lại theo kiểu vay nợ đầu cơ” – LBO. Cụ thể, họ chỉ rót vào Toys ‘R’ Us 1,3 tỷ USD tiền của mình và sử dụng tài sản của công ty này để thế chấp và vay thêm 5,3 tỷ USD nữa, hành động khiến cho hãng đồ chơi phải gánh một số nợ khổng lồ – 6,2 tỷ USD.

Gút lại, sau thương vụ LBO, tổng số nợ mà Toys ‘R’ Us phải gánh chiếm tới 82,7% tổng vốn đầu tư (6,2 tỷ USD/7,5 tỷ USD). Vào thời điểm đó, lãi suất từ khoản nợ là khoảng 7,25% – đồng nghĩa với việc Toys ‘R’ Us phải trả tới 450 triệu USD tiền lãi mỗi năm. Doanh thu hằng năm của Toys ‘R’ Us là hơn 11 tỷ USD và vào thời điểm năm 2005, hãng đồ chơi này cố lắm mới có lợi nhuận vào khoảng 2%, tương đương 220 triệu USD. Tính ra, khoản nợ mà Toys ‘R’ Us phải trả là gấp đôi so với lợi nhuận ròng. Đến tận hơn 10 năm sau, hãng đồ chơi vẫn ngập trong nợ mà không tài nào xoay xở được.

Bài học kinh doanh từ việc đầu tư dựa trên giả định chủ quan

Tại sao những nhà đầu tư lúc đó lại quyết định vay nợ để mua lại Toys ‘R’ Us? Trước khi quyết định LBO, thông thường, một công ty “được chọn làm ứng cử viên” khi sở hữu các tiêu chí sau: Gánh nặng nợ hiện có thấp, có lịch sử dòng tiền ổn định và định kỳ trong nhiều năm, bản thân người thâu tóm có khả năng đổi mới quản lý và cách vận hành công ty được LBO, và điều kiện thị trường thuận lợi.

Trong trường hợp của Toys ‘R’ Us, những nhà đầu tư tới từ KKR, Vornado Realty Trust và Bain Capital đã quyết định thực hiện LBO đối với Toys ‘R’ Us vì cho rằng nó có đủ những tiêu chí trên. Những nhà đầu tư đã đoán rằng họ có thể cắt giảm chi phí vận hành để cải thiện dòng tiền mặt, nhờ đó có tiền trả lãi suất vay nợ. Ngoài ra, họ còn cho rằng có thể kiếm thêm tiền bằng cách bán một số tài sản ít được sử dụng. Nhưng họ đã lầm!

Đáng sợ hơn cả là việc họ cho rằng thị trường bán lẻ sẽ không thay đổi quá nhiều. Các nhà đầu tư đã vay nợ để mua lại Toys ‘R’ Us mà không nghĩ tới việc họ sẽ cần tiền để thực hiện các kế hoạch dự phòng nếu như thị trường hay những đối thủ cạnh tranh có sự thay đổi bất ngờ, vượt xa dự kiến.

Chính những giả định chủ quan như thế đã khiến Toys ‘R’ Us trả giá đắt!

“Cái khó bó cái khôn”

Vào thời điểm 2005, e-commerce hay thương mại điện tử còn là khái niệm rất mới. Amazon khi đó chỉ là công ty đáng giá 8,5 tỷ USD chứ không phải gã khổng lồ 100 tỷ USD như hiện nay. Do đó, những nhà đầu tư của Toys ‘R’ Us đã không mấy để tâm tới sự thay đổi âm thầm trong thị trường bán lẻ, từ truyền thống sang online. Thế nên, họ chỉ tập trung vào việc cạnh tranh với Walmart hay Target.

Toys ‘R’ Us bất lực trên cả 2 mặt trận truyền thống và online. Ảnh: Your Story

Kế hoạch khi đó chỉ là giảm chi phí hoạt động, đóng cửa một số cửa hàng kém hiệu quả, nhượng quyền cho cửa hàng ở nước ngoài hay bán bớt một số tài sản ít sử dụng (như bất động sản) để huy động tiền mặt và trả nợ.

Vì vậy, khi mà Amazon liên tục tăng trưởng và giành lấy thị phần bán lẻ, thì Toys ‘R’ Us chỉ có thể ngồi nhìn trong bất lực. Bởi vì, hãng đồ chơi không thể nào đủ tài lực để có thể vừa cạnh tranh với mô hình brick-and-mortar trên mặt trận truyền thống, vừa đối trọng với Amazon trên mặt trận online, và vừa phải trả nợ.

Nói như Charlie O’Shea – một chuyên viên phân tích đến từ Tập đoàn tài chính Moody’s thì: “Trong khi Toys ‘R’ Us dần dần đánh mất vị thế của mình thì các đối thủ lớn như Walmart, Amazon và Target lại đang chạy hết công suất”. Nguyên do là vì gánh nợ quá lớn năm 2005 đã ức chế và kìm hãm mọi quyết định tài chính hay kế hoạch cạnh tranh. Dù cho ban lãnh đạo của Toys ‘R’ Us có tài năng xuất chúng đến đâu đi chăng nữa, thì việc giữ cho hãng đồ chơi tồn tại đã là kỳ công lắm rồi.

Thế nên, hãng đồ chơi chỉ còn biết ngồi nhìn thị phần của Amazon ngày càng phình to ra cùng với đà phát triển của thương mại điện tử; bất lực trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng tại các cửa hàng truyền thống. Trong bối cảnh đó, kết cục như ngày hôm nay là điều khó tránh khỏi.

Cái kết không thể khác của việc không nắm bắt xu hướng

Đối với nhiều nhà phân tích, Toys ‘R’ Us là một “nạn nhân” điển hình của xu hướng thương mại điện tử. Dù đã từng là kẻ khổng lồ trong vài chục năm, song lợi thế của Toys ‘R’ Us đã từ từ biến mất khi người tiêu dùng ngày càng thích mua hàng chỉ bằng một cú click chuột.

Khi mua lại Toys ‘R’ Us, những nhà đầu tư đã không thể nào ngờ được rằng có ngày thương mại điện tử sẽ cản trở cửa hàng truyền thống. Điều này kéo theo việc các bất động sản chuyên dùng cho thuê để làm cửa hàng bán lẻ cũng rớt giá theo. Vì giá bất động sản dành cho bán lẻ tại Mỹ đã luôn tăng trong vài thập kỷ trước, nên các nhà đầu tư vào Toys ‘R’ Us đã “mặc định” rằng chúng sẽ tiếp tục tăng giá. Thế nên, họ cho rằng chí ít cũng có thể bán bất động sản, bất luận là đang thuộc sở hữu hay cho thuê, để trả nợ. Song, thương mại điện tử đã phá vỡ hoàn toàn giả định này.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em ngày nay, các thiết bị điện tử đã dần thay thế đồ chơi truyền thống. Theo thống kê của tờ Washington Post, 67% trẻ em có ít nhất một tablet hoặc một smartphone; và 59% nói rằng việc sở hữu chúng là ưu tiên số một. Bố mẹ chúng không thể còn đủ tiền để vừa mua các thiết bị thông minh vừa dành tiền cho đồ chơi nữa.

Ngoài ra, còn một xu hướng cực kỳ quan trọng nữa đã góp phần giết chết Toys ‘R’ Us: Tỷ lệ sinh giảm. Theo tờ Washington Post, trong đơn xin bảo hộ phá sản, Toys ‘R’ Us đã viết như sau:

“Việc giảm tỷ lệ sinh ở các quốc gia mà chúng tôi bán hàng đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh. Sản phẩm của Toys ‘R’ Us chủ yếu hướng đến các em bé mới sinh và trẻ em, thế nên, doanh thu của chúng tôi phụ thuộc vào tỷ lệ sinh tại các nước đó. Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh tại nhiều nước đã giảm hoặc đứng yên trong khi dân số ngày một già đi và chi phí dành cho giáo dục lại tăng lên. Xu hướng già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh, nếu tiếp tục, sẽ gây ra thiệt hại cho việc kinh doanh của chúng tôi”.

Tại Mỹ, quê nhà của Toys ‘R’ Us, tỷ lệ sinh của nước này đã giảm dần đều kể từ cuộc “Đại Suy Thoái” (The Great Recession) hồi những năm 2000. Tỷ lệ này đạt mốc thấp nhất vào năm 2016, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ. Có thế nói, Toys ‘R’ Us chỉ là một trong số vô vàn những mô hình kinh doanh, bất kể ngành nghề, đang phải đối mặt với một sự thật: Tăng trưởng kinh tế không đi kèm với tăng trưởng dân số. Bài học kinh doanh này không dành cho số ít.

Theo Lê Duy (DNSG)

BẢN DESKTOP