Top công nghệ an toàn cần trang bị cho ôtô hiện đại ngày nay
Tác giả :
Thảo Nguyễn
Khi mua ôtô mới, ngoài các yếu tố giá thành, thiết kế... bạn không thể bỏ qua việc cân nhắc xe có được trang bị những công nghệ an toàn không thể thiếu này hay không.
Video: Thử đâm Toyota Corolla Cross vào xe khác và xem cái kết...
Trên mỗi xe ôtô đều được trang bị hệ thống công nghệ an toàn tiêu chuẩn như dây đai an toàn, chống bó cứng phanh, túi khí,… Song, tài xế vẫn cần đến một số trang bị công nghệ khác để có thể lái xe an toàn trong điều kiện tình hình giao thông phức tạp và đông đúc. Theo đó, ngoài những trang bị tiêu chuẩn, có 5 công nghệ an toàn mà ôtô cần có. Theo Forbes, có rất nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ ra một khoản phí để trang bị một số tính năng cho xe. Ngoài ra, các khảo sát của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) cũng cho thấy, người lái sẽ cảm thấy an toàn khi có thêm những tính năng hỗ trợ tài xế và số vụ tai nạn giao thông cũng đã giảm thiểu hơn trước.
Kiểm soát hành trình chủ động - Adaptive Cruise Control (ACC)
Trang bị này được nâng cấp từ hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control và thường xuất hiện trên các mẫu xe sang. Theo đó, ACC cho phép tài xế cài đặt tốc độ di chuyển tương tự như Cruise Control. Ngoài ra, ACC còn có thể tự giảm tốc khi có chướng ngại vật phía trước. Để ACC thực hiện khả năng này, cảm biến và radar gắn bên trong lưới tản nhiệt phía trước có nhiệm vụ quét khoảng cách và xác định vật cản. Trường hợp có vật cản hay sự cố, ACC sẽ tự động giảm tốc nhằm giữ khoảng cách an toàn cho xe, tránh xảy ra va chạm.
Kiểm soát hành trình chủ động trên xe ô tô
Tự động phanh khẩn cấp - Automatic Emergency Braking (AEB)
Đây là một trang bị được khá nhiều khách hàng lựa chọn thêm khi mua xe. Hiện tại, hệ thống tự động phanh khẩn cấp đã được các nhà sản xuất điều chỉnh cho phù hợp với các mẫu xe phổ thông, thay vì chỉ áp dụng cho xe sang như trước.
Bên cạnh các cảm biến, một số xe còn có camera quan sát làm nhiệm vụ phát hiện va chạm. Khi tài xế không chú ý hoặc không phản ứng kịp với tình huống bất ngờ, AEB sẽ tự động phanh xe lại. Tốc độ hoạt động của hệ thống này thường dao động trong khoảng 30 km/h, tùy từng loại xe. Theo dữ liệu của IIHS, số vụ tai nạn liên hoàn đã giảm khoảng 50% trong những năm gần đây sau khi nhà sản xuất ôtô trang bị thêm AEB.
Cảnh báo chệch làn hay hỗ trợ giữ làn đều có chức năng giúp xe không bị lệch khỏi làn, giảm thiếu nguy hiểm khi lưu thông. Hệ thống hoạt động dựa trên cảm biến và camera gắn ở đầu xe. Hình ảnh cảnh báo về việc đi chệch làn đường sẽ được hệ thống báo lại cho tài xế trên màn hình trung tâm hoặc thông qua âm thanh, vô lăng rung nhẹ.
Trường hợp tài xế bỏ qua tín hiệu chệch làn, không bật đèn xi nhan, hỗ trợ giữ làn đường sẽ can thiệp bằng cách điều khiển nhẹ nhàng trên vô lăng. Tuy vậy, hệ thống sẽ không phát hiện được tình trạng chệch làn đối với những đoạn đường không có vạch kẻ đường hoặc bị mờ.
Cảnh báo điểm mù - Blind Spot Detection
Mặc dù đã được hướng dẫn về cách chỉnh gương chiếu hậu để hạn chế điểm mù nhưng thực tế, tình trạng xe gặp tai nạn do đi vào điểm mù vẫn xảy ra khá nhiều. Vì vậy, hệ thống cảnh báo điểm mù đã được phát triển để hỗ trợ người lái trong quá trình di chuyển. Với cảm biến gắn trên xe, hệ thống có khả năng phát hiện những phương tiện khác nằm trong điểm mù của gương chiếu hậu. Khi có xe muốn vượt trước, hệ thống sẽ phát đi tín hiệu cảnh báo bằng đèn màu cam trên gương chiếu hậu.
Cảnh báo điểm mù trên xe ôtô
Camera lùi - Rear view Camera
Camera lùi hỗ trợ đắc lực cho tài xế trong việc lấy tầm nhìn phía sau khi lùi xe, hạn chế những va chạm với các vật thể phía sau xe. Các nhà sản xuất ô tô thường sử dụng ống kính góc rộng cho camera lùi nhằm mang đến tầm quan sát 180 độ phía sau xe cho tài xế. Đây gần như là trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe ôtô hiện đại ngày nay.