Y học và đời sống

Tôn rơi vào chân, người đàn ông bị đứt gân ngón: Cần biết cách phòng ngừa

  • Tác giả : Thúy Nga
Tai nạn đứt gân rất dễ xảy ra, nhất là đối với những người thường xuyên làm việc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, rựa… nên cần biết cách phòng ngừa.

Ngày 10/4, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân nam 53 tuổi bị đứt gân duỗi ngón 2 - 3 bàn chân phải do vô tình bị mảnh tôn rơi vào chân.

Qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có vết thương phức tạp, lộ xương, mất cơ năng duỗi ngón II, III. Ngay trong đêm, kíp trực đã quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật cho kết quả tốt. Đây là ca phẫu thuật tương đối khó khăn vì phải tìm được 2 đầu gân để nối lại với nhau, nếu không được nối kịp thời, ngón chân sẽ giảm, mất chức năng, da mô mềm giảm nguồn máu nuôi dưỡng sẽ dẫn đến hoại tử ngón.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh, chống phù nề, định kỳ thay băng vết thương để đánh giá tình trạng hồi phục, tập gấp duỗi ngón chủ động và thụ động sớm.

Hiện tại, vết thương của bệnh nhân khô, đầu ngón chân hồng ấm, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Theo bác sĩ chuyên khoa: “tai nạn đứt gân rất dễ xảy ra. Nhất là đối với những người thường xuyên làm việc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, rựa… đặc biệt cửa kính cũng là một “hung thần” dễ gây đứt gân khi bị vỡ và va quẹt vào cơ thể”.

Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ khuyên những người thường xuyên làm việc với các vật kể trên cần phải hết sức cẩn thận, không nên chủ quan.

Khi xảy ra tai nạn, cần xử trí băng vết thương cho bệnh nhân và nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP