Giáo dục

"Tôi khẳng định là không bỏ được trường chuyên"

  • Tác giả : ​​​​​​​Mai Loan (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, không thể xóa bỏ trường chuyên, nếu trường chuyên chưa tốt thì phải sửa, làm cho tốt lên, chứ không thể xóa bỏ.

Trường chuyên là chính sách đúng đắn trong bồi dưỡng nhân tài

Hệ thống giáo dục có 3 nhiệm vụ chính: Một là giáo dục đại trà; Hai là giáo dục tài năng: Tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng cho đất nước; Ba là giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi, hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc con em thương binh liệt sĩ.

Ba nhiệm vụ này đều quan trọng, không thể so sánh nhiệm vụ nào hơn nhiệm vụ nào. Trong đó, có thể nói, trường chuyên là một chính sách lớn, đúng đắn của Đảng và Chính phủ đối với việc đào tạo tài năng cho đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nếu đặt vấn đề trường chuyên có cần thiết hay không, thì hãy đặt câu hỏi, thế giới người ta có đào tạo tài năng không? Nhất là đào tạo tài năng lĩnh vực khoa học tự nhiên?

Theo tôi được biết, các nước trên thế giới họ đều đào tạo tài năng một cách nghiêm túc và có sự đầu tư rất mạnh. Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, họ đang làm những điều mà nước mình chưa làm được, chính là do họ biết chú trọng điều này.

Họ cũng đánh giá rất cao mô hình trường chuyên của Việt Nam, chất lượng học sinh chuyên của Việt Nam. Thậm chí như Thái Lan trước đây còn cử người sang học và mời các thầy cô giáo Việt Nam sang giảng dạy và bồi dưỡng cho học sinh, giáo viên của họ (và họ đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua).

Thứ hai, là trường chuyên có thành công không? Thực tế, nhiều cán bộ khoa học giỏi nhất, hàng đầu của đất nước phần lớn đều xuất phát từ các trường chuyên. Nhiều người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài, là các giáo sư những trường đại học danh tiếng, cũng đa phần là cựu học sinh trường chuyên.

Và không thể không nhắc tới GS Ngô Bảo Châu, với giải thưởng Fields danh giá
ngang với giải Nobel, cũng xuất phát từ lớp chuyên toán trường THCS Trưng
Vương và sau đó là khối chuyên toán A0 Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Thứ ba, thử hỏi người dân có thích cho con học trường chuyên không? Nếu người dân thích, thì đó là quy luật xã hội và chứng tỏ, trường phải tốt.

Đừng gọi các em là "gà nòi"

Hiện tại, Trường chuyên KHTN vẫn lưu giữ quyết định thành lập lớp chuyên Toán đầu tiên - lớp Ao - từ mô hình này, các lớp chuyên, trường chuyên đã được phát triển, nhân rộng ra toàn quốc về sau. Năm 1974, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mà Việt Nam đã cử đoàn gồm 5 học sinh giỏi đầu tiên tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO 1974) tại CHDC Đức và đã đạt thành tích cao gồm 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Điều đó cho thấy, Đảng và Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm, coi trọng đối với việc bồi dưỡng, phát triển nhân tài như thế nào.

Quyết định thành lập lớp chuyên Toán Ao đầu tiên năm 1965 với mục đích khuyến khích các học sinh có năng khiếu về Toán có điều kiện học lên cao. Ảnh chụp từ tư liệu.
Quyết định thành lập lớp chuyên Toán Ao đầu tiên năm 1965 với mục đích khuyến khích các học sinh có năng khiếu về Toán có điều kiện học lên cao. Ảnh chụp từ tư liệu.

Quyết định thành lập lớp chuyên Toán Ao đầu tiên năm 1965 với mục đích khuyến khích các học sinh có năng khiếu về Toán có điều kiện học lên cao. Ảnh chụp từ tư liệu.

Cho đến nay, thành tích của các em đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế vẫn có ý nghĩa làm rạng danh Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, trên thế giới cũng vẫn tôn trọng giải học sinh giỏi quốc tế, vì đây vẫn là kỳ thi "một người trên triệu người" và nghiêm túc. Những em học sinh tham dự thi học sinh giỏi quốc tế, đa số các trường ĐH ở nước ngoài đều cho học bổng toàn phần.

Để có được một học sinh giỏi xuất sắc là rất hiếm. Có những em học sinh giỏi xuất thân từ gia đình nhiều đời có học, có truyền thống về học hành, tựa như tinh hoa của dòng họ. Là người thầy, được dạy các em như vậy cũng hạnh phúc lắm. Vì sao lại gọi những em như vậy là “gà nòi”?. Tôi không đồng ý với cách gọi các em như vậy.

Và tôi cho rằng, cũng không nên cho rằng, những người đi thi về, được giải cao thì phải là “ông nọ bà kia” thì mới là thành công, thành đạt, nếu không thì thất bại, bởi họ có thể đóng góp cho đất nước theo những cách khác nhau.

Tuy nhiên, nếu nói rằng, trường chuyên chỉ dạy để cho các em đi học sinh giỏi, thi quốc tế thì đó là quan niệm sai lầm. Mà dạy chuyên là sự tiếp sức cho những học sinh có năng khiếu để các em đi xa hơn, phát triển năng lực tốt hơn, có đóng góp hữu ích cho xã hội.

Thực tế, không phải những em đạt giải nhất quốc tế thì sẽ vinh quang, thành công nhất, mà những em không tham gia đội tuyển, nhưng học giỏi, có kiến thức, tư duy tốt, thì sau này các em có sự thành công rất lớn.

Có ý kiến cho rằng, đã học giỏi thì không cần vào trường chuyên, và vì học sinh đã giỏi sẵn rồi, cho nên thành công của học sinh trường chuyên không phải là do công đào tạo, mà chủ yếu do tư chất các em, điều đó đúng một phần.

Bởi thực sự, học sinh được tuyển chọn vào trường chuyên là các em giỏi. Tuy nhiên, dạy làm sao để các em phát triển, giỏi hơn nữa, không bị dốt đi lại là bài toán khó, và đây cũng chính là áp lực của các thầy cô giáo trường chuyên. Để có một bài giảng hay, có khi thức trắng mấy đêm liền.

Cần xây dựng trường chuyên đúng nghĩa trò giỏi, thầy giỏi

Cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay chúng ta vẫn thiếu những trường chuyên nghiêm túc, những giáo viên giỏi nghiêm túc. Đã lâu rồi chúng ta quên đào tạo những giáo viên giỏi, trong khi đó, những giáo viên giỏi mới nhân ra những học sinh giỏi.

Nhưng những trường chuyên không tốt thì phải sửa, làm nó tốt hơn, chứ không thể bỏ. Tôi phải khẳng định là không bỏ được trường chuyên.

Ước mơ cả đời của tôi là làm sao chúng ta xây dựng được một mạng lưới trường chuyên ở tất cả các tỉnh theo đúng nghĩa là thầy giỏi, trò giỏi, và mô hình tiên tiến không kém gì thế giới.

Hiện nay, hệ thống trường chuyên ở Việt Nam đang đẩy nền giáo dục Việt Nam đến gần thế giới, đồng thời, thế giới cũng tạo lực đẩy, tác động tới nền giáo dục Việt Nam thông qua giáo dục đỉnh cao. Trong bối cảnh này, trường chuyên phải xây dựng kiến thiết có chính sách lại để phát triển tốt hơn.

Trong đó, đội ngũ giáo viên rất quan trọng. Các giáo viên trường chuyên buộc phải cập nhật kiến thức liên tục, chứ không phải, đào tạo được 1, 2 học sinh giỏi xuất sắc rồi thì thôi, không học nữa.

Thực tế, tôi thấy rằng, hơn một nửa trường chuyên ở các tỉnh vẫn nghèo lắm. Và gần 2/3 học sinh chuyên còn nghèo.

Nếu xét ở góc độ kinh tế, thì hiện nay, vẫn có những trường chuyên không cần nhiều tiền mà vẫn thành công, ví dụ như Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, đầu tư công thậm chí còn kém cả trường bình thường, nhưng đào tạo rất nhiều học sinh giỏi, những nhà khoa học hàng đầu cho đất nước.

Trường chuyên là của nhân dân, là chính sách sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Để trả lời câu hỏi bỏ hay giữ trường chuyên thì phải đưa ra tiêu chí đúng. Nếu nhìn chỉ ở các góc cạnh khác nhau, kinh tế hay nghiên cứu thì không hoàn toàn thỏa mãn hệ quy chiếu được.

Kể cả trong trường hợp không cần gọi là trường chuyên cũng được, thay đổi tên gọi và đầu tư công bằng hết. Vậy, nếu đó vẫn là trường tốt, trong xã hội có trường tốt như thế thì có nên bỏ không?

Nói về trường chuyên, trước hết phải có cái nhìn tổng quát về hệ thống giáo dục Việt Nam, về nền giáo dục Việt Nam, có những đặc thù riêng. Một cựu học sinh của trường tôi, chuyên KHTN, gia đình thuần nông nhiều đời, đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, hiện đang học rất xuất sắc ở Mỹ. Khi về thăm nhà cậu, nhìn cậu, tôi nghĩ rằng, một gia đình hay dòng họ nào đó ở Việt Nam, muốn thay đổi, phát triển thì việc đầu tư vào giáo dục, cho con học hành là một đầu tư cực kỳ thông minh.
Thứ hai, nhờ chính sách giáo dục đại học mà biết bao người xuất thân từ gia đình nghèo đã thành danh, thành công.
Cho nên, điều đầu tiên là phải thấy được sự ý nghĩa của chính sách đối với học sinh nghèo. Và trường chuyên cũng là một chính sách như thế trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
​​​​​​​Mai Loan (ghi)

BẢN DESKTOP