Khám phá

Tỏi đen mềm, nhão cực độc

Nhờ có nhiều công dụng, thị trường tỏi đen phát triển thành “ma trận”  sản phẩm khác nhau, thậm chí là thật – giả lẫn lộn. Theo các chuyên gia, nếu không có kiến thức thì rất dễ rước họa từ loại thực phẩm có ích này.

Tỏi đen rởm có thể chứa độc tố.

“Loạn” tỏi đen trên thị trường

Hiện nay, trên thị trường, người tiêu dùng cũng rất dễ dàng để mua được một vài hộp tỏi đen ở bất kỳ hiệu thuốc nào. Lý do tỏi đen được bày bán nhiều như vậy đa phần là vì cách chế biến nó khá đơn giản. Để biến tỏi thường thành tỏi đen, chỉ cần tạo ra một môi trường với nhiệt độ và độ ẩm phù hợp cho tỏi tự lên men, sau khoảng 35 – 40 ngày là có thành phẩm.

PGS.TS Vũ Bình Dương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng sản xuất thuốc, Học viện Quân y cho biết, theo các nghiên cứu thì sau khi lên men, các nhóm hợp chất có trong tỏi tăng đáng kể trong đó hàm lượng đường tăng khoảng 13 lần, fructose tăng 52 lần. Đặc biệt là SAC (sallyllcystein) – chất đã được chứng minh có tác dụng mạnh của tỏi đen – tăng 6 lần so với tỏi tươi.

Dịch chiết tỏi đen có hiệu lực mạnh kháng lại các tế bào khối u, do vậy có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, làm giảm sự phát sinh của khối u ruột kết và các tụ điểm ẩn khác thường, những dấu hiệu lâm sàng sớm nhất của ung thư ruột kết. Ngoài ra, tỏi đen còn có tác dụng điều hòa đường huyết.

PGS.TS Vũ Bình Dương là chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu lên men tạo tỏi đen từ tỏi Lý Sơn và đánh giá tác dụng sinh học của sản phẩm tạo ra đã hoàn thiện và đưa ra thị trường sản phẩm tỏi đen. Quá trình lên men tỏi để trở thành tỏi đen mất khoảng 35 – 40 ngày với hiệu suất 50%, nghĩa là cứ 1kg tỏi thì cho ra 0,5kg tỏi đen. Các nghiên cứu về tác dụng sinh học của tỏi đen cũng cho thấy, hợp chất sulfur hữu cơ, dẫn chất của tetrahydro-carboline được hình thành từ quá trình lên men có hoạt tính mạnh dạng gốc tự do và ức chế quá trình peroxy hóa lipit cao hơn tỏi thường.

Tuy nhiên, thị trường tỏi đen hiện nay gần như “loạn” bằng cách nở rộ các sản phẩm được chào bán. Người ta đua nhau làm tỏi đen, trong khi đó rất khó để phân biệt đâu là tỏi đen đảm bảo chất lượng. Theo PGS.TS Vũ Bình Dương, chỉ bằng cách thực hiện các xét nghiệm phân tích mới có thể biết loại tỏi đen nào là chuẩn, đảm bảo đúng các thành phần, loại nào không.

Trong khi đó, người tiêu dùng thường không có kiến thức thì “bó tay” trước việc lựa chọn tỏi đen đúng chất lượng để bồi bổ sức khoẻ, thậm chí có thể nhiễm độc nếu sử dụng không đúng cách.

Nhận biết tỏi đen “rởm” 

Theo PGS.TS Vũ Bình Dương, bằng cảm quan có thể biết sản phẩm tỏi đen không đạt chất lượng, đó là khi bóc tỏi ra quan sát thấy tỏi mềm, nhão, không dai, cắn vào cảm thấy có vị chua thì đó là tỏi lên men quá mức làm cho đường chuyển thành axit, gây độc hại, có thể sẽ bị đau dạ dày.

Cũng không nên ăn quá nhiều vì tỏi đen kích ứng dạ dày, ăn nhiều có thể gây tiêu chảy. Người đang đau bụng, đi ngoài thì tuyệt đối không ăn tỏi đen. Tỏi đen tốt cho người già, khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em.

Một điều đáng lưu ý nữa mà PGS.TS Vũ Bình Dương cảnh báo đó là không giống như tỏi thường có thể chữa được cảm cúm, tỏi đen không còn tác dụng đó do trong quá trình lên men, tinh dầu đã được xử lý hết. Việc người bị cảm cúm mà mua tỏi đen về ăn là rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, tỏi có chứa một số thành phần mà khi ăn vào dạ dày, ruột gây kích thích mạnh gây ức chế tiết dịch vị làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, vì thế những người mắc bệnh gan dễ buồn nôn khi ăn tỏi.

Bên cạnh đó, những người đang điều trị bệnh gan có thể bị thiếu máu khi ăn tỏi, do những thành phần dễ bay hơi có trong tỏi làm giảm hemoglobin. Như vậy sẽ gây bất lợi cho quá trình điều trị của những bệnh nhân mắc bệnh gan.

Đối với người bị bệnh thận hoặc người đang uống thuốc thì có khả năng xuất hiện tác dụng phụ rất rõ rệt khi ăn tỏi. Không những thế, ăn tỏi còn làm cho mất tác dụng của thuốc đang uống, đồng thời còn có thể làm bệnh cũ tái phát.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP