Địa ốc

Tisco lao đao vì thua lỗ, dự án nghìn tỷ dang dở

  • Tác giả : Liên Thái Hà
DA Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô hơn 8.100 tỷ đồng chậm tiến độ từ tháng 5/2011. Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng giá trị đầu tư của dự án là hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trên tổng tài sản của Tisco.

Tính riêng quý III/2023, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên lỗ gần 59 tỷ đồng do tình hình tiêu thụ không khả quan, đồng thời phải chịu thêm gánh nặng lãi vay.

Lỗ 5 quý liên tiếp, vay nợ hơn 4.600 tỷ đồng

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sa sút so với cùng kỳ.

Cụ thể, quý III/2023, doanh thu thuần của Tisco ghi nhận đạt gần 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn khiến lãi gộp của Tisco chỉ còn gần 34 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các chi phí trong kỳ cũng đều tăng mạnh, bao gồm chi phí tài chính đạt 43 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay phải trả. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36% lên 49 tỷ đồng; còn chi phí bán hàng giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Kết quả, "ông lớn" ngành thép Tisco ghi nhận lỗ trước thuế 57,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 23 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 59 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 25 tỷ đồng vào quý III/2022. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Lãnh đạo Tisco cho biết, nguyên nhân là bởi những tháng đầu năm nay, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm mạnh trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể. Bên cạnh sự đi xuống của hoạt động cốt lõi, doanh nghiệp này còn phải gánh thêm áp lực chi phí lớn hơn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tisco ghi nhận 6.789 tỷ đồng doanh thu, giảm 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 195 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Năm 2023, Tisco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.826 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 39 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 43% về doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi cả năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, cuối quý III/2023, nợ ngắn hạn của Tisco ở mức 6.479 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn hơn 2.721 tỷ đồng, dẫn tới vốn lưu động âm 3.758 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính ngắn và dài hạn là 4.607 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nguồn vốn và gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu (1.680 tỷ đồng). 9 tháng đầu năm 2023, Tisco phải trả số tiền lãi gần 129 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 13/10 cổ phiếu TIS của Tisco đạt 4.400 đồng/cp, giảm khoảng 27% so với vùng đỉnh được thiết lập hồi tháng 6.

Hơn 6.500 tỷ mắc kẹt tại dự án dang dở của Tisco

Hơn 6.500 tỷ mắc kẹt tại dự án dang dở của Tisco

Dự án hàng nghìn tỷ vẫn dở dang

Báo cáo của Tisco cũng cho hay, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 10.690 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Hàng tồn kho hơn 1.790 tỷ đồng (tăng 30 tỷ đồng), tương ứng tăng 2% so với ngày 1/1/2023. Đáng chú ý, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản (61%) của Tisco là chi phí xây dựng dở dang với 6.543 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, hơn 6.500 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang thuộc dự án Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II.

Được biết, dự án Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II là một trong 5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã được Thủ tướng Chính phủ tích cực chỉ đạo xử lý trong thời gian qua. Đến nay, dự án này đã kéo dài sang năm thứ 17 chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Dự án có tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.844 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 8.105 tỷ đồng do Tisco làm chủ đầu tư và nhà thầu chính là Công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC). Theo báo cáo, vướng mắc chính của dự án này liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói).

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007, do nhiều nguyên nhân, dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Ở diễn biến liên quan, tháng 2/2017, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện dự án này, đến tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ có kết luận. Các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Đến ngày 11/11/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành bản án liên quan đến dự án. Theo đó, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế Tisco đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là 830 tỷ đồng, các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường cho Tisco số tiền nêu trên.

Tính đến 30/9/2023, Tisco đã nhận được bồi thường gần 79 tỷ đồng từ Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội, số tiền này được Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội thu được từ các bị cáo. Công ty ghi giảm chi phí lãi vay đã vốn hóa của dự án tương ứng với số tiền nêu trên.

Cho đến nay, dự án vẫn dở dang, chưa hoàn thành. Tại thời điểm 30/9/2023, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 6.530 tỷ đồng, trong đó lãi vay vốn hóa là 3.317 tỷ đồng. Như vậy, chi phí phát sinh trong 9 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là khoản chi phí lãi vay vốn hóa này.

Tisco cho biết đang cùng với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ sớm đưa dự án vào sản xuất.

Liên Thái Hà

BẢN DESKTOP